Những năm 1885-1888, đức vua Hàm Nghi và các triều thần yêu nước từ kinh thành Huế xuất bôn ra các tỉnh miền núi phía bắc miền Trung khởi hịch Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên phò vua giúp nước chống Pháp. Trong dân gian này từng lưu truyền nhiều giai thoại về các báu vật đức vua mang theo được cất giấu bí ẩn trên những nẻo đường mà ngài và tùy tùng mang theo trong những năm sơn dã kháng chiến.
|
TT - Tương truyền trên đường xuất bôn khởi hịch Cần Vương, vua Hàm Nghi đã cho mang theo rất nhiều báu vật để dùng cho kháng chiến.
Hơn thế kỷ qua, không biết bao nhiêu người đã cố công tìm kiếm nhưng những báu vật chưa ai từng thấy trên vẫn là một điều bí ẩn.
Mới đây nhà văn Văn Cầm Hải, CTV của Tuổi Trẻ, đã may mắn được thấy một số những báu vật ấy trong một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Hà Tĩnh.
Voi vàng, kiếm báu, hoàng bào...
Xe đưa chúng tôi vượt đường Hồ Chí Minh luồn sâu vào ngõ làng thôn Phú Hòa - một làng nhỏ ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Đón tôi ngay từ trước ngõ là một cụ già dịu hiền trong tà áo dài tím, khuôn mặt cổ kính, ẩn mình dưới mái tóc búi tó điểm sương rừng. Đó là cụ Trần Văn Nhung, 78 tuổi, người được dân làng Phú Gia giao phó trách nhiệm lưu giữ báu vật của vua Hàm Nghi.
Tôi bước vào ngôi nhà tranh vách nứa, toàn thân chợt rộn ràng xen lẫn sự bồi hồi linh thiêng khi nhìn thấy bàn thờ mộc mạc nhưng uy nghiêm linh ảnh đức vua Hàm Nghi. Bát hương cao ngất với vô vàn chân hương chồng lên nhau cho tôi biết rằng đêm ngày dân làng Phú Gia không lúc nào ngơi hương khói cho người.
Cụ Nhung bước vào gian thờ, kính cẩn nâng trên tay một cặp song kiếm hoen bụi thời gian. Cặp kiếm dài chừng nửa mét, lưỡi kiếm bằng thép, chuôi gỗ chạm hình phượng sơn son. Một nỗi niềm xúc động dâng trào khi đôi tay tôi đón nhận cặp kiếm từ cụ Nhung.
Chưa hết bàng hoàng vì đôi kiếm, tôi lại càng chấn động tâm tư khi nhìn thấy cụ Nhung, được sự trợ giúp của bà con dân làng, tiếp tục bày lên sạp chiếu nhiều báu vật khác. Trong chiếc hộp thiếc, ba con voi hiện ra, hai con được đúc bằng vàng, một đúc bằng đồng. Tượng voi bằng đồng được đúc theo tư thế voi đang lâm chiến.
|
Thân hình voi gầy, toàn thân lấm chấm lông. Voi vàng tạc theo tư thế đứng nhàn nhã, vòi buông thẳng. Ba con voi tuy kích thước nhỏ, con lớn nhất cao 4cm, dài 7cm, lưng rộng 2,5cm; con nhỏ nhất cao 2,5cm, dài 3cm, lưng rộng 1cm, nhưng đều toát lên dáng vẻ uy nghi vì nét chạm trổ sinh động. Dẫu không mang ý nghĩa lịch sử thì chỉ với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo như vậy, ba con voi đã xứng danh là báu vật quốc gia!
Sau ba con voi là con nghê bằng đồng và chuỗi lục lạc 35 cái gắn màn gấm dành cho vua Hàm Nghi. Thời gian đã phôi pha màu đồng nguyên chất của từng hạt lục lạc, màu sắt thép đôi kiếm nhưng thời gian, lạ thay vẫn còn giữ nguyên màu tươi vàng tám bộ áo mũ triều thần, đặc biệt là hai chiếc áo hoàng bào và chiếc áo lót của đức vua.
Không một chút tì vết hay sờn mòn, mọi đường kim mũi chỉ thêu hoa văn rồng bay phượng múa như vừa mới rời khỏi bàn tay thêu thùa, ánh lên sắc vàng lấp lánh. Cụ Trần Văn Nhung lại mang từ tủ hòm bày ra sạp chiếu một loạt những lò hương, 20 chiếc cờ lộng tàn quạt và 37 đạo sắc phong rực rỡ văn tự.
|
Đó là những đạo sắc phong có từ thời vua Minh Mạng đến Khải Định phong cho các vị thần ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng. Dù đã tận mắt thấy những bảo vật, nhưng tôi vẫn chưa tin rằng chính đôi mắt mình đã thấy, chính đôi tay mình đã cầm vì làm sao nơi này, cách trở núi sông, trong ngôi nhà tranh vách nứa của một người dân quê mùa lại bí ẩn lưu giữ báu vật của vua Hàm Nghi?
Huyền sử của làng Phú Gia
Sử cũ ghi rằng vua Hàm Nghi, vị công tử thứ năm của Kiên Thái Vương Hồng Cai, sinh ngày 17-6 năm Tân Mùi (1871), là em cùng cha khác mẹ với hai vua Đồng Khánh và Kiến Phước, được hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập lên làm vua ngày 12-6 năm Giáp Thân (1884) khi mới 13 tuổi. Đến năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng các triều thần xuất bôn, khởi hịch Cần Vương, đạo ngự đến Tân Sở, Quảng Trị, sau đó di chuyển ra Hương Khê, Hà Tĩnh. Tại Hương Khê, vua Hàm Nghi chọn thành Sơn Phòng làm đại bản doanh và ban bố hịch Cần Vương lần hai
Thành Sơn Phòng chính là tòa thành bằng đất nằm ở làng Phú Gia. Gần Sơn Phòng có miếu Trầm Lâm, tục gọi là miếu Trăm Năm, và đền Công Đồng. Theo truyền ngôn của dân làng, vào đêm 20-9-1885, một ?êm trời không trăng sao, vua Hàm Nghi vừa chợp mắt thì mộng thấy bị địch bao vây, cần phải định liệu rút ngay. Tỉnh dậy, vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ ở miếu Trầm Lâm. Năm ngày sau, nhà vua ra sắc phong và ban tặng nhiều phẩm vật quí giá để báo đáp công ơn, bày tỏ lòng tri ân người dân địa phương đã phò vua giúp nước. Đó chính là những báu vật tôi đang chiêm ngưỡng tại nhà cụ Trần Văn Nhung.
“Chúng tôi đây, một mái nhà tranh, một tấm lòng thành nâng niu các bảo vật của tiền triều để lại. Bảo vệ bảo vật của vua là bảo vệ tín vật của giang sơn đất nước chứ đâu phải bảo vệ của cá nhân ai mô. Dân làng chúng tôi tự hào và không quên ơn vua, không quên ơn nước nhà” - cụ Trần Văn Nhung tâm sự.
Thành Sơn Phòng, miếu Trầm Lâm, đền Công Đồng nay đã hoang phế trong mắt nhân gian. Nhưng dù bao thăng trầm thời cuộc đổi thay, dù mất mùa đói kém, người dân Phú Gia vẫn không vì thế mà chểnh mảng, vẫn kiên trung lưu giữ bảo vật vua ban. Theo truyền thống, dân làng Phú Gia hằng năm bầu chọn người lưu giữ luân phiên với thời gian một năm cho một gia đình. Người được lựa chọn phải có nhân cách tốt, trung thành và chịu trách nhiệm bảo quản.
Mỗi dịp xuân sang, khi chuyển giao cho nhà khác, dân làng lại tổ chức lễ nghi phơi cúng và rước bảo vật đến nơi ở mới cùng bàn thờ linh ảnh của đức vua 120 năm qua, nhờ lòng thành của người dân, các bảo vật của vua Hàm Nghi vẫn y nguyên nhưng tiếc rằng do cách bảo quản trong thùng gỗ thô sơ nên một số bảo vật là đồ vải và giấy bắt đầu có hiện tượng hư hỏng.
Thật may mắn khi tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành dự án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích thành Sơn Phòng, đền Cống Đồng và miếu Trầm Lâm nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh Phan Đình Phùng - một trong những lãnh tụ của phong trào Cần Vương. Trong dự án này, vấn đề giúp người dân bảo tồn bảo vật của vua Hàm Nghi được đặt lên hàng đầu với sự tham gia trực tiếp của người dân Phú Gia.
Một mái nhà tranh. Một tấm lòng thành. Một bảo tàng lòng dân. Một ngôi làng sơn cước cũng làm nên một cõi sống đẹp như huyền sử khi con người không quên quá khứ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
DANH SÁCH CÁC TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC QUA TỪNG NĂM & GIAO LƯU TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC (Ghi chú: Từ 2016 đến nay chưa chính xác). Trưởng ban thứ 27 NĂM 2024-2025 Trương Hoàng. Địa chỉ: . Điện thoại: . Điện thoại di động: .Email: Lần thứ 26 NĂM 2022-2023 Chưa cập...