Sau gần 20 năm xa Huế tôi mới nghe được những phương danh, danh xưng mới hơi lạ tai: Nhà Huế Học.
Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về một danh xưng như thế quả là duyên may cho Huế, bởi vì Huế hay bất cứ nơi nào, người nào mà đi theo cái “học” đều hay ho hơn là “Huế... đói, Huế đau, Huế sầu, Huế khổ...”.
Trong khái niệm về “học” đã hàm chứa ý niệm nhân văn. Nếu đã có những nhà “chuyên học mang tính nhân văn”, nghĩa là chuyên nghiên cứu, khảo luận về một lĩnh vực chuyên biệt nào đó thì sẽ trở thành một nhân vật có thẩm quyền về bộ môn đó. Như một người chuyên môn nghiên cứu về lịch sử thì sẽ thành nhà Sử Học; về ngôn ngữ thì thành nhà Ngữ Học... và cứ thế, nhân loại đã và sẽ có những nhà Tâm Lý Học, Triết Học, Toán Học, Tâm Linh Học, Bệnh Lý Học, Ai Cập Học, Pari Học... Huế Học là chuyện tất nhiên.
Thế nhưng vị trí của chữ “Học” (hiểu ở đây với ý nghĩa là sự sở đắc hoàn chỉnh và cao nhất về mặt kiến thức, lý giải và phương pháp luận) đặt ở trước Huế hay là sau Huế mang một ý nghĩa khác biệt: Người học Huế và nhà Huế Học. Cũng như người học Toán và nhà Toán Học, người học Tâm lý và nhà Tâm lý Học...
Cần phải có những công trình nào để một người học Huế hay quan tâm nghiên cứu, sưu khảo về Huế trở thành nhà Huế Học?
Có lẽ công trình Huế học quy mô đầu tiên là những công trình biên khảo của Hội Những Người Bạn Cố Đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué). Hội này được thành lập năm 1913 do đề xuất của linh mục Léopold Cadière. Hội xuất bản một tạp chí định kỳ lấy tên là Tạp Chí Những Người Bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué. Viết tắt: BAVH.) Ra đời năm 1914 và đình bản năm 1944 với 31 tập và 15 nghìn trang ấn bản, tạp chí BAVH đã trở thành một nguồn tư liệu rất phong phú nghiên cứu về Huế và có khi đi xa hơn trong phạm vi cả nước về các mặt địa lý, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, dân tộc học... hay nói một cách tổng quát là văn hoá cung đình, văn hóa học sĩ và văn hóa dân gian.
Những tác giả thường xuyên đóng góp các bài vở nghiên cứu trong suốt 30 năm cả ta lẫn Tây phần đông là những người học Huế và nhà Huế học tương đối có thẩm quyền khi viết về Huế.
Từ sau thế chiến thứ hai (1945), những công trình nghiên cứu về Huế hầu hết tập trung trên nỗ lực cá nhân. Mãi đến năm 1992 mới có một công trình tập thể khác của Hội Sử Học Thừa Thiên - Huế qua tạp chí nghiên cứu có tên là “Huế, Xưa & Nay” ra đời năm 1992 tại Huế.
Tiêu chuẩn phân định giữa người học Huế và nhà Huế học là ở chỗ công trình sưu khảo chứ không phải là đã viết được bao nhiêu trang sách. Nếu chỉ tìm tòi những điều đã có sẵn trong BAVH hay trong mớ tài liệu cổ nằm trong các tàng thư các hay thư viện để gom góp lại cho một đề tài nào đó, theo kiểu “tập đại thành; thuật nhi bất tác” (gom góp tài liệu, rồi kể lại chứ không tìm tòi hay sáng tạo được cái gì mới) – theo kiểu đức Khổng Tử thường khiêm tốn nói về mình – thì vẫn còn ở mức độ của một người học Huế. Chỉ khi nào chính người đó tìm ra, nghiên cứu, đào sâu, phân tích được cái mới hoàn toàn hay tìm đươc chất mới mới từ trong kho cũ mới là một nhà Huế học đích thực.
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chúng ta phải vui mừng đón nhận số lượng những người học Huế và những nhà Huế học ngày một khởi sắc. Đã có rất nhiều tác giả, nhà sưu tầm, nghiên cứu trong và ngoài nước thành danh vì có những bước đi rõ ràng và mạnh dạn từ vị thế của người học Huế sang nhà Huế học.
Tại vùng Bắc California nước Mỹ nầy, chỉ riêng năm 2006, tôi đã hân hoan nhận được khoảng 12 cuốn sách viết về Huế từ Nguyễn Lý Tưởng, Hoàng Long Hải đến Hồ Đăng Định, Lê Chí Kham và khá nhiều tạp chí, đặc san Nhớ Huế, Thương Huế, Yêu Huế, Tình Huế, Bạn Huế... Mỗi tác giả và tác phẩm đều có một vị trí riêng; một cảm quan nghệ thuật và cách nhìn riêng khi nhìn vế Huế Xưa, Huế Nay.
Bên cạnh những tâm hồn máy động cùng tần số với Huế, thì cũng có những tâm hồn tha thiết với Huế một thời, nay bỗng thành dửng dưng với Huế. Đi trên cầu Trường Tiền mà nhớ đến quặn mình một chiếc cầu Trường Tiền Áo Trắng thuở xa xưa. Chèo đò trên dòng sông Hương mà cứ ngỡ như đang đi trên dòng sông Seine, trên American River và nhớ về một Sông Hương ngày cũ với bến đò Thừa Phủ lưu luyến. Miên man... một tâm trạng Nguyễn Bính ngày xưa chăng:
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự Viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
... Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
Trong cảnh biến thiên “bạch vân thiên tải không du du” – nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay – đó, có một người như đang đứng lại:
- Thầy tôi!
Thầy Võ Văn Dật, bút hiệu Võ Hương An, dạy tôi môn công dân, sử địa năm đệ thất, đệ lục trường Hàm Nghi Huế 47 năm về trước. Thuở đó, thầy là một người học Huế. Qua những bài giảng của thầy trong lớp học, tôi hiểu được điều đó. Thầy học Huế, thầy học trường luật, thầy ra làm thẩm phán, thầy vào trại tù cải tạo, thầy ra tù, thầy sống lây lất trên quê hương rồi qua Mỹ làm chuyên viên kỹ thuật, rồi viết lách, viết về Huế. Tôi tin là phải qua những chặng đường gian nan như thế thầy mới hiểu được mình trong tận cùng chiều sâu của Huế. Thầy viết về Huế thật tình. Những bài viết về Huế có nội kiến (insight) như Chuyện Cung Đình Nghe Kể Lại, Những Sai Lầm Đáng Tiếc, Vua Tự Đức Con Ai... là những khám phá và phát kiến mới lạ, độc đáo mang tính lịch sử và thâm cung bí sử của tác giả Võ Hương An.
Hai tác phẩm ra đời trong năm 2006 của tác giả Võ Hương An đều viết về Huế: Huế Của Một Thời và Vua Khải Định... Với lối nhìn độc sáng trong Huế Của Một Thời và những dữ kiện lịch sử gồm cả lời minh giải thiết thực và hình ảnh phong phú rõ ràng trong tác phẩm Vua Khải Định, nhà văn, nhà biên khảo Võ Hương An đã định hình cho mình một tinh thần Huế học rất nghiêm túc.
Từ Huế Của Một Thời sang Vua Khải Định, tác giả Võ Hương An đã xác định một bước đi lên tất yếu của người cầm bút có tài năng và bản lĩnh. Riêng với Huế, đấy là con đường tiệm tiến nhưng rạch ròi từ người học Huế sang nhà Huế Học.
California Mùa Giáng sinh 2006
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Huế vốn là kinh đô xưa và là Trung tâm Chính trị - Văn hóa - Kinh tế - Xã hội của đất nước. Nhắc đến Huế là nói đến vẻ trầm mặc cổ xưa của đền đài lăng tẩm, cung điện với bao đời vua chúa, với bao lẻ thăng trầm thịnh suy... Trong số những 9 vị Chúa và 13 vị Vua đời nhà Nguyễn có ai không biết...