Chiều nay, cũng như bao buổi chiều Xuân của những năm về trước, lòng bồi hồi hoài niệm về một mùa Xuân cũ. Một mùa Xuân đánh dấu những xao xuyến đầu đời mong manh mà sâu đậm, khác nào người đi trên bờ cát dù co nhẹ gót đến đâu cũng để lại những dấu buồn cho gió khơi gìn giữ .
Từ ngày xa nhau, đã bao lần tôi tiễn mùa Xuân đi và bao lần đón Xuân đến. Bao chặng đời bồng bềnh phiêu bạt nơi xứ lạ với những dâu bể thăng trầm, nhưng không thể nào tôi quên được ký ức tuổi thơ.
Thuở ấy chúng tôi ở gần nhau, ngày ngày cùng học hành, hái hoa bắt bướm, hờn dỗi vu vơ hoặc cho nhau xem lằn roi mỗi lần bị mẹ đánh. Cuộc sống tuổi thơ thật hồn nhiên trong sáng, những tưởng cứ phẳng lặng trôi êm như mặt nước hồ thu chưa biết gợn sóng bao giờ. Thế rồi năm ấy, cũng vào những ngày lành lạnh mưa xuân, học sinh các lớp liên hoan trước khi chia tay thầy, bạn về nhà nghỉ Tết .Tiệc tan, ai nấy đều hớn hở ra về, riêng Lan vẫn ngồi lại lớp chờ tôi đến. Ngày ấy, học sinh vào cấp hai ở trường công lập đều phải qua một kỳ thi khắc nghiệt và nam nữ đều phải học riêng trường. Do mãi vui vẻ với bạn bè nên tôi đón Lan hơi muộn, nàng lặng buồn không nói, tay đầy chiếc bánh “ga tô” vàng óng ánh sang cho tôi mà mắt vẫn nhìn xuống đất, tay vân vê tà áo trắng. Tôi định bụng sẽ dí dỏm một câu nào đó để cầu hoà như mọi khi nhưng lại thôi, vì trước mắt không chỉ là món quà mà còn cả cánh thiệp mừng Xuân nữa, tôi đón lấy như đón cả mùa Xuân.
Nghe tôi xin lỗi về sự chậm trễ của mình, Lan nũng nịu “Lần sau đừng như thế nữa”. Nàng ngước nhìn lên, đôi mắt mở to, mái tóc đen huyền đang ôm kín bờ vai tròn trong màu áo ấm mẹ mới cho. Hôm nay trong ánh mắt của Lan sao thân thương và ấm áp lạ thường, một điều gì đó mách bảo với tôi rằng trong anh mắt đó có ẩn chứa một tín hiệu. Đột nhiên tôi hơi bôí rối va øcũng kịp nhận ra rằng nàng không còn là trẻ con nữa, mà là một nụ đời đang chớm nở, hứa hẹn những mùa Xuân sau chắc chắn sẽ là một bóng hồng duyên dáng của trường.
Đêm xuống dần, càng về khuya trời càng trở lạnh, cha tôi hình như có rượu nên ngủ say. Mẹ và chị tôi vẫn tiếp tục công việc bánh mức mãi đến khuya. Riêng tôi, bên ngọn đèn dầu bên bàn học, tôi cứ mãi ngắm ngía và đọc đi đọc lại lời chúc của nàng trên cánh thiệp Xuân. Một thứ “men đời” nào đó đang xâm nhập hồn tôi. Một cảm giác trìu mến đầu đời đang hình thành trong tâm tư của một cậu học sinh mà từ lâu chỉ biết tinh nghịch, quậy phá bạn bè. Tôi đặt bút đáp lại cho Lan những lời chúc tụng tâm đắc nhất, rồi nhắm mắt lại để lắng nghe những trạng thái tình cảm lạ lẫm mà tôi chưa biết đặc tên nó là gì. Nếu có ai đó phát hiện ra điều “bí mật” này thì chắc tôi ngượng đến chết mất.
Ôi một đêm vào Xuân thật đẹp, niềm vui này nó không giống với niềm vui khác, ngay cả khi tôi được mẹ quẳng cho tôi bộ đồ Tết mới may hoặc là đón nhận những bao tiền lì xì của số bà con trên tỉnh về, tôi tắt đèn và mang hình ảnh Lan chìm dần vào giấc ngủ muộn. Đêm mai, vào giờ giao thừa tôi sẽ giúp nàng việc đốt pháo như mọi năm và sẽ cố gắng nói với nàng những lời mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa biết sử dụng loại ngôn ngữ đó.
Mùa Xuân đầu tiên tôi ngỏ ý… cũng là mùa Xuân cuối cùng tôi gặp nàng. Chuyện lòng kia có khác nào như áng mây lúc hoàng hôn… chỉ rực rỡ một lúc ở cuối chân trời rồi mờ dần vào sương khói. Còn chăng chỉ là những kỷ niệm buồn được hằn sâu trong tiềm thức của tuổi học trò. Ngày tháng dần trôi. “Mấy mươi năm làm kiếp con người”, tôi như chiếc thuyền nan trôi giữa dòng đời vô định. Ngần ấy tuổi đầu vẫn chưa biết đâu là bến đỗ cuối cùng và cũng chẳng biết đến bao giờ mới tìm đươc những gì đã mất.
Ly rượu cuối cùng vừa cạn, tôi thả hồn vọng về cố hương. Đã bao Xuân rồi chưa một lần về quê ăn Tết. Nơi chôn nhau cắt rốn của mình có những hương vị của ngày Xuân mà tôi không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Quê tôi có đồng lúa phì nhiêu, có dòng sông xanh uốn khúc, quanh năm ôm kín bờ tre soi bóng. Nơi mà những ngày Xuân đến, mùi trầm hương lan toả mọi nhà pha lẫn với mùi rượu cúng, mùi thức ăn nóng trên mâm cỗ. Đàn ông bao giờ cũng mặc áo đen dài truyền thống. Đàn bà nhai trầu, hút thuốc còn trẻ con thì chỉ biết quanh quẩn trong làng, đốt pháo hoặc khoe nhau nhau những đồ chơi quen thuộc đầy màu sắc.
Nghe nói, từ ngày tôi ra đi, mấy năm sau Lan thôi học, rồi lấy chồng. Hiện nay nàng đang định cư ở Mỹ, lâu lắm không thấy họ về thăm quê nữa. Ngôi nhà của nàng nay đã giao cho người khác trông coi.
Từ ngày ông nội mất, gian nhà trở nên hiu quạnh, chỉ có mẹ con nàng. Bố của Lan đi theo kháng chiến rồi ở luôn ngoài Bắc. Mẹ nàng một tay đảm đang, cần mẫn nuôi con ăn học, mong một ngày nào chồng về, gia đình sum họp đoàn viên. Thế rồi, sau ngày ngưng tiến súng, bố vào Nam tìm lại mái nhà xưa sau lưng ông lại có một phụ nữ và hai đứa con, chúng cứ bám lấy bố không rời một bước. Không biết có phải vì sức ép của bà vợ sau lưng hay là ông bị kẹt giữa hai trái ớt cùng cay nên ông tỏ thái độ không bình thường. Chưa có một lời an ủi vỗ về người vợ cũ thuỷ chung, thì ông lại gắt: “mẹ mầy sao còn duy trì lối sống và tư tưởng đế quốc đến thế? Chưa tiến bộ được…”.
Mẹ Lan hụt hẫng đến câm lặng, thọ bệnh rồi chết sau đó không lâu. Lo hậu sự cho mẹ xong, Lan theo chồng xuất cảnh theo diện H.O.
Ông cụ cố của Lan là một danh nhân uyên bác trong vùng, ai ai cũng thương mến và nể trọng. Từ ngày thất thủ kinh đô cho đến lúc triều đại nhà Nguyễn cáo chung, ông cụ vẫn giữ đạo “Trung quân ái quốc”. Những lúc có dịp cụ vẫn thường nhắc lại rằng đêm 23-5 năm Ất dậu, quân Pháp bất thần tràn ngập thành Phú Xuân. Cảnh máu lửa, chết chóc và loạn lạc không sao kể xiết. Xã hội Việt Nam thời bấy giờ liên tiếp trải qua những xáo trộn, đổi thay chẳng khác nào tàu ở đại dương, trong cơn giông bão bị mất phương hướng. Người dân khốn khổ trăm bề, nào là bị bắt bớ tù đày, bị chém chặt không nương tay, nào là bị đói kém và kẹt giữa hai làn đạn: hết Pháp đến Nhật.
Rồi thế giới đại chiến lần thứ 2 xảy ra cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến cục diện ở Việt Nam ta. Các nhân sĩ yêu nước khắp nơi đứng lên khởi nghĩa chống Pháp dành độc lập thì bị Mỹ nhúng tay vào can thiệp. Thời bấy giờ các nước nhược tiểu không sao thoát khỏi sự dòm ngó của các cường quốc đang tranh nhau đi tìm thuộc địa.
Ông cụ cố qua đời, giao sản nghiệp lại cho ông nội của Lan thừa kế. Ông là một nhà giáo Hán học được vua Duy Tân cấp bằng, vì sĩ khí của nhà nho, ông từ chối cộng tác với chính phủ bảo hộ đương thời.
Ông tẩy chay việc học tiếng Pháp, miễn cưỡng chấp nhận tiếng quốc ngữ. Nhìn thế sự diễn ra trong giai đoạn lịch sử đau buồn ấy, ông nghĩ nó chẳng khác nào những tấn tuồng đầy máu lửa, đầy nước mắt. Chẳng hay tác giả của những kịch bản này có thấy xót xa cho dân Việt hay không? Vì vậy, những người có tâm huyết như các cụ lúc nào cũng mơ đến một vị anh hùng dân tộc nào đó có thể vãn hồi sự thanh bình cho đất nước, đem lại ấm no cho dân tộc để cho mỗi mùa Xuân đều đến với mọi nhà.
Ngày trước, khi nội Lan còn sống, mỗi lần sang chơi, tôi thường giúp cụ cắt xén cây cảnh, dọn dẹp sân vườn, có khi ông cháu ngồi dưới giàn hoa thên lý hóng mát và kể chuyện đời xưa. Một hôm ông thổ lộ rằng: “Cơ trời vận nước chuyển xoay đã khiến cho những người thân trong gia đình lần lượt thành người thiên cổ, chỉ còn một mình bố Lan đi thoát ly theo phong trào Việt Minh, bao năm rồi không gặp mặt”.
Tuy tôi còn bé, chưa am hiểu nhiều về chính trị nhưng ông nói tiếp: “Đất nước bị ngoại bang chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, chiến cuộc lại diễn ra ngày một ác liệt. Tham vọng và chính nghĩa lại đối đầu, cuối cùng giải quyết nhau bằng súng đạn, để rồi máu Việt lại đổ ra. Phải chăng người viết kịch bản nơi xa xăm nào đó đã chọn mảnh đất này làm nơi thử nghiệm vũ khí và chiến thuật, hoặc mặc cả nhau về vấn đề nào đó”.
Ông thở dài rồi nói tiếp: “Những đều vừa nêu quả là quan trọng, nhưng thật ra không nguy hại bằng việc họ thổi vào dân Việt những luồng ý thức hệ ngược chiều nhau, được sơn phết với những chiêu bài tốt đẹp. Để rồi một ngày nào đó, khi cuộc chiến kết thúc, tiếng súng có thể ngưng nổ là xong, nhưng dư âm vấn đề ý thức hệ thì mãi cả đời người chưa thể một sớm một chiều mà có thể phôi phai được ở những con người còn nông nổi, cực đoan và cố chấp”.
Nhờ cụ cho nên tôi mới hiểu ra những vấn đề đằng sau hậu trường chính trị. Sau này khi tao loạn ập đến, gia đình tôi phải bồng bế ra đi, làm tôi phải chia tay người bạn gái yêu quý là Lan.
Một đêm giá lạnh, mùa mưa của xứ Huế, ông cụ cho gọi mẹ con Lan đến dặn dò nhiều điều, trong đó có đoạn ông nói rằng ông cũng muốn sống đến ngày đất nước hoà bình để thấy mặt đứa con trai đi làm cách mạng trở về. Ông khẳng định ngày chiến thắng chắc không xa và khuyên mẹ con Lan hãy chờ đợi người về dựng lại mùa Xuân từ bên kia vĩ tuyến. Nói xong, ông nhắm mắt và xuôi dần về cõi vĩnh hằng.
Hồi chuông điện thoại reo vang đã kéo tâm hồn tôi trở về thực tại. Ngoài khung cửa, những tia nắng nhạt cuối ngày chỉ còn vương lại trên cây sầu đông vừa trổ lá.
Mấy cây mai vàng cạnh nhà đã nở đầy hoa, chúa Xuân đang đến với vạn vật và cả trong lòng người.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Website hoạt động từ 2003 đến 2007. Mời Nhấn vào đây