Thầy Dương Thiệu Tống với hơn sáu mươi năm dạy học đến bây giờ vẫn tiếp tục miệt mài với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhân ngày sinh nhật thứ 82 của thầy chúng tôi, một số học trò cũ từ thập niên 1960, đã đến thăm thầy ngày 28-10-2006.
“Các anh đã mang lại niềm hạnh phúc cho tôi”. Thầy nói trong niềm xúc động khi nhìn về phía cầu thang: một chiếc đầu bạc lấm tấm khệ nệ bưng chiếc bánh sinh nhật dò từng bước một lên cầu thang hơi hẹp và dốc của nhà thầy… Đó là anh Nguyễn Vĩnh An, theo sau với lẵng hoa tươi nho nhỏ xinh xinh là anh Nguyễn Chí Phước có biệt danh Phước bốn bánh, ngay từ thời đi học anh luôn sử dụng xe có 4 bánh xe, tiếp theo là các bạn Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Văn Nghệ, Lê Quan Văn, Phan Quý Nam, Bảo An, Lê Văn Tạo và Lê Xuân Thìn
Câu chuyện thầy trò ấm cúng, thân thương dậy lên trong lòng mọi người.
- Xin Thầy cho biết về Trường Hàm Nghi Huế, về Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học vừa mới được cấp phép hoạt động. Nguyễn Chí Phước nhanh nhẩu nói.
Tuy thời gian hoạt động của Trường Hàm Nghi ngắn ngủi, từ năm 1955 đến năm 1975, nhưng đã tạo được dấu ấn cả thầy lẫn trò. Hàm Nghi là một thành công của Huế. Tôi chỉ dạy ít giờ ở trường Hàm Nghi một vài năm đầu khi trường mới thành lập. Cựu học sinh Hàm Nghi là một sinh hoạt tốt. Họ đã làm được nhiều chuyện nhỏ mà có hiệu quả cao. Khi nghe CHS Hàm Nghi vận động đạt được kết quả tốt: Trường Hàm Nghi được tái thành lập, khai giảng ngày 4-9-2005 tôi tin cho thầy Nguyễn Văn Xiên và thầy Nguyễn Đình Phiên ở nước ngoài biết, các thầy ấy vui lắm. Quốc Học cũng thế. Tôi dạy trường Quốc Học nhiều nhất. Lâu lâu lại một vài anh chị ghé thăm. Đây là tài sản quý nhất mà tôi có được. Tôi cũng còn dạy nhiều nơi khác nữa nhưng tôi vẫn thấy học trò Huế có rất nhiều tình cảm làm cho tôi cảm thấy rất gần gũi.
Người ta nói tôi là người Huế. Cũng đúng thôi. Lúc còn bé tôi học trường Paul Bert ở Huế. Vừa rồi một bài báo internet Pháp có nhắc đến một vài học sinh tiêu biểu của trường Providence trong đó có tôi. Vui lắm. Lớn lên được học bổng du học các nước Pháp, Anh, Mỹ… rồi cũng về dạy học ở Huế. Ông thân tôi làm việc ở Huế từ năm 1919, mộ phần của cha mẹ tôi cũng đặt tại nơi đây. Thế thì tôi là Huế thứ thiệt rồi còn chi nữa.
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học là một hoạt động đang được quan tâm. Khi các anh đến xin ý kiến và mời làm cố vấn cho Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học tôi chấp thuận ngay vì lúc nào cũng tin tưởng ở thiện chí của các anh chị. Sau này theo dõi trên mạng thấy Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học đã có nhiều cố gắng, hoạt động minh bạch, trong sáng. Tôi mừng. Tôi nghèo vật chất không đóng góp được gì nhưng tôi luôn ủng hộ tinh thần, tình cảm.
Minh bạch trong sáng là yếu tố then chốt để những hoạt động xã hội từ thiện thành công. Tôi thấy Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học đã làm được như thế và tôi cũng chỉ có lời khuyên như thế với các bạn trẻ. Mong Huế Hiếu Học có nhiều kết quả tốt đẹp.
Thưa thầy, xin thầy cho ý kiến về tôn sư trọng đạo
Ở các nước hiện đại trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh… có nếp sống hối hả, cuồng nhiệt… nhưng tình thầy trò vẫn luôn được tôn trọng, đề cao. Tuy nhiên người phương Tây thấy tình cảm thầy trò của chúng ta họ lại còn trân trọng nhiều hơn. Tôi có người bạn thân hồi còn học ở trường Đại học Clolumbia, Wasshington, Hoa Kỳ năm 1966-1969 là Tiến sĩ Tim Abraham. Năm 2001 khi đến thăm tôi ông lấy làm ngạc nhiên vì tình nghĩa thầy trò sâu đậm của học trò đối với thầy. Năm 2004 ông đến Việt Nam lần nữa, lúc này sức khỏe của tôi không được tốt, anh Phước tiếp bạn của thầy như là tiếp một người thầy cũ. Ông c?m động lắm. Lúc chia tay ông ta ôm tôi và nói rõ to: “Tuyệt vời, Việt Nam tuyệt vời”. Đó là nhờ chúng ta có truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa.
Người thầy phải trung thực, trong sạch, gương mẫu, có lòng yêu nghề mến trẻ… Và dĩ nhiên “sư” phải như thế nào thì mới được “tôn”. Bây giờ, để người thầy được yên tâm trên bục giảng những người quản lý giáo dục phải có trách nhiệm lo cho đời sống của người thầy đầy đủ. Ngày trước tôi chỉ làm một nghề là dạy học, lương của tôi đủ sống nên mới nuôi nổi năm đứa con ăn học thành tài.
Thầy kéo học bàn lấy bài thơ đã in bằng máy vi tính: “Có anh học trò cũ gởi cho tôi bài thơ và tôi đã trả lời anh bằng một bài thơ khác”. Thầy đọc thơ, giọng của thầy sang sảng, đầy tình cảm:
Viễn Xứ nhớ nguồn
Ông lái đò ơi ông biết không
Tôi người hành khách đã sang sông
Mỗi lần qua bến đi thêm nhớ
Mỗi độ dừng chân ngoảnh lại trông
Ông lái ngày xưa còn bẻ lái
Nước dòng sông cũ vẫn xuôi dòng
Nay bến cũ vẫn xa đò cũ
Ngồi nhớ người đưa lẫn bến sông
USA, ngày 11-12-2005
Phùng Chi + Ngô Tuấn (ghi chép)
Nghỉ một chút, thầy đọc tiếp bài thơ thầy viết tặng những người học trò cũ của mình:
Tâm sự ông lái đò
Ông lái đò nay tóc bạc màu
Ngồi nhìn năm tháng lướt qua mau
Để rồi thương nhớ thời xưa ấy
Mỗi chuyến đò ngang một nhịp cầu
Mỗi chuyến đò ngang một nhịp cầu
Đưa người khách trẻ vượt qua sông
Tránh từng ghềnh thác từng cơn sóng
Dìu dắt người đi những bước đầu
Dìu dắt người đi những bước đầu
Với tình thân ái gởi cho nhau
Ước mong người khách ngày xưa ấy
Hạnh phúc dài lâu đạt nguyện cầu
Hạnh phúc dài lâu đạt nguyện cầu
Nhưng tình nghĩa cũ vẫn in sâu
Bến sông ông lái con đò nhỏ
Vương vấn trong tim khách bạc đầu
Bàn Thạch Dương Thiệu Tống
Trước khi chia tay thầy nói như để căn dặn học trò mình: “Ngày xưa khi đi du học ở các nước tôi có ghi lời cam kết là học để phục vụ quê hương. Tôi đã thực hiện được điều đó. Bây giờ sống đến tuổi này, nhìn lai tôi cũng có được nhiều điều đúng điều sai, nhưng điều đúng đắn nhất mà tôi đã làm và luôn tự hào là đã ở lại Việt Nam”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Website hoạt động từ 2003 đến 2007. Mời Nhấn vào đây