NHỚ MÁI TRƯỜNG XƯA

Thứ tư - 19/10/2005 21:00
Đời học sinh, khoảng thời gian lo lắng nhất là vào những mùa thi. Năm 1961, Bộ Quốc Gia Giáo Dục bãi bỏ việc thi bậc tiểu học, tức là thi “Ri Me”. Ai nấy đều vui mừng chi lạ. Học sinh người nào có đủ điểm trung bình cuối năm lớp Nhất là được “Miễn thi”. Như vậy chỉ còn lo việc thi vào Đệ Thất tức là thi “Cồng Cua” mà thôi. Bấy giờ ở Huế chỉ có bốn trường công lập cho thi tuyển để thâu nhận học sinh lớp đệ Thất là Quốc Học, Nguyễn Tri Phương với Hàm Nghi dành cho thí sinh phái nam và Đồng Khánh cho phái nữ.

Đời học sinh, khoảng thời gian lo lắng nhất là vào những mùa thi. Năm 1961, Bộ Quốc Gia Giáo Dục bãi bỏ việc thi bậc tiểu học, tức là thi “Ri Me”. Ai nấy đều vui mừng chi lạ. Học sinh người nào có đủ điểm trung bình cuối năm lớp Nhất là được “Miễn thi”. Như vậy chỉ còn lo việc thi vào Đệ Thất tức là thi “Cồng Cua” mà thôi. Bấy giờ ở Huế chỉ có bốn trường công lập cho thi tuyển để thâu nhận học sinh lớp đệ Thất là Quốc Học, Nguyễn Tri Phương với Hàm Nghi dành cho thí sinh phái nam và Đồng Khánh cho phái nữ.

Không biết tự bao giờ, danh từ “Gởi” được bà con, lối xóm và nhất là bạn cùng lớp lập đi lập lại nhiều lần. Nguyên do cũng tại vì mình có ông Bác ruột vốn là Đốc học Trường Quốc Học. Tuy Bác đã về hưu, nhưng bạn và học trò của Bác “đầy trường”. Bác cũng đã từng dạy trường Nguyễn Tri Phương, cho nên cả hai trường cũng đều là “của Bác”. Bên trường Hàm Nghi, con trai của Bác cũng đang dạy Toán và Anh Văn. Tư thế của mình thi vô Đệ Thất như vậy “chỉ còn thua cái con cọp ở côi non”. Mình thuộc thành phần đầu tiên được miễn thi bằng Tiểu học tức là thi “Ri Me”. Bây chừ chỉ cần thi đệ Thất vô các trường công lập là khỏi phải trả học phí hàng tháng. Trước ngày nạp đơn, xuống hầu thăm Bác, luôn tiện hỏi ý Bác là nên thi trường nào? Bác biểu nên thi vào Hàm Nghi “cho dễ”! Sướng mê tơi trò đời “ỷ thế”! Đến nước ni thì học làm chi cho mệt cuộc đời! Tuy chưa thi, nhưng biết chắc đã đậu rồi: “Gởi!”. Ngày đi thi, thong dong “nhìn đời bằng cọng rau má”! Đề thi hỏi chuyện vua Hàm Nghi ra Tân Sở! Trúng tủ viết ngon lành! Luận hỏi về “thích biển thẳm hay núi xanh”, viết bậy bạ lạc đề nên “bài luận tả tơi vì bị sóng biển đùa chơi trên cát”. Bài thi cuối cùng, toán ra chi “khó ác”! Tỉ trọng của kim loại đồng biết rõ ràng là “8,8” mà sao nhân chia mãi vẫn không ra! Nhưng lo chi, chuyện thi cử đã có “ông anh họ của ta đang dạy toán!”. Vài ba ngày trước khi “có bảng”, đến hầu thăm Bác, luôn tiện thăm “Anh”! Hỏi thử xem cho biết sự tình! “Thưa Anh đã chấm?” “Ừ!” “Anh đã gặp bài?” “Có!” “Thưa anh cho mấy điểm?” “Một điểm!” Trời đất ơi! Đớn đau biết mấy! Anh em cái kiểu chi mà lạ như ri? Đã “gởi gắm theo đúng như lời của Cô, của Bác”, anh lại nhẫn tâm cho thằng em ngây thơ “chống gậy bước ra ngoài” thấy còn hơn chơi cái kiểu “mang con đem bỏ chợ Đông Ba!” Đi thi vô lớp đệ Thất vì ỷ y có “gởi” nhưng khi không đem dè bị rớt một cái “bịch!”, đau như rứa thì thôi!

Vì trượt vỏ chuối, nên phải theo học trường tư. Xin vô học lớp đệ Thất trường Hàm Long trong chùa Báo Quốc tại vì có ông Bác sau khi về hưu, mở trường này và đang làm Hiệu trưởng! Bác mở trường, cháu vào học thiệt vẹn toàn với điều Bá Điệt tương giao! Được hơn một tháng, Bác biểu xuống học trường Bình Minh của bà Ngô Đình Nhu cho “tiện”. Thế là tha hồ “cúp cua” hay “nhảy cửa sổ” hát bài “Tẩu: Chạy” mút mùa. Hàng Đoát buổi trưa, bến Me đứng bóng! Giáng sinh năm đó, bà Cố vấn Ngô Đình Nhu có ra thăm nhà “chồng” trên xứ Tứ Tây tức là Phủ Cam, tiện thể thăm trường và cho học trò cả trường Bình Minh ăn thịt gà rô ti với bánh mì và uống chai nước chanh “lùn” thơm ngọt. Thành quả thâu lượm chỉ được bấy nhiêu, vì suốt cả niên học, mãi lo thả lỏng đi chơi đi giởi!

Năm 1962, khi hạn nhận đơn thi vô lớp đệ Thất tới nơi, cũng tự động nạp đơn thi không cần ai bày, ai chỉ! Cương quyết một lòng, nhất định xin thi vô trường trung học Hàm Nghi bên tê thành nội, âm thầm “khỏi gởi”, tự mình ta chọn thi vào ngôi rường có hình dáng cổ kính sang vàng trời! Ông anh họ đã xuất ngoại, qua tận xứ Mỹ mù khơi! Cho nên cứ coi như góc bể chân trời, “Ai có thì giờ mô mà thèm để ý!” Học lại bài cũ, kí cóp đi thi! Ngày truyền lô cũng chẳng buồn coi. Vài ba bữa sau, thong thả tới chơi. Xem bảng yết dưới Di Luân Đường xong cười khì: “Cũng được cho: Ta thì đậu chót”! Ngày tựu trường, cái mặt ngớp ngớp, chờ chẳng nghe tên không biết lớp mô? Chợt nghe Thầy Tổng Giám Thị gọi trên “mi cờ rô” nghe oang oang “Thầy xếp em vô lớp đệ thất một!”. Ui cha ốt dột! Mình ghi Pháp Văn, chỉ vì đậu chót, phải sang Anh Văn, nếu như “cằn nhằn”, cứ việc nghỉ học! À há! Ngu dại chi mà bực tức! Anh văn hay Pháp văn, cứ coi là ngoại ngữ giống như nhau! Nhận lớp cho mau, kẻo Thầy đổi ý! Thôi thì cứ vui đi hí! Thứ hai đầu tháng, lệ học sinh mang quần dài trắng để làm lễ chào cờ. Mình cũng diện quần trắng, nhưng không phải quần dài, mà là quần “sọt”. Trơ trụi một mình, “trẻng ơi là trẻng”! Giờ Anh văn đầu đời do cô Yến dạy, mấy “cái thằng cu tê” vì đã học trước nên nói tiếng Anh trơn lu nghe còn hay hơn tiếng Mỹ! Mình chẳng biết cái “cóc khô”, nên khi bị cô chỉ, biểu đứng lên “gút mo ning” đành trơ bản mặt lãnh cái “mo thứ bốn”. Ối trời ơi! Sợ hao phải mút! (How much?) Sợ tàn đời cái cảnh “Guốc bay!” (Good bye!). Lại nữa, phải chạy bay tóc trán mới mượn được cuốn “Lét Lớt Ing Lít” (Let’s Learn English) khỏi phải đi mua. Ghét của nào, trời trao của ấy, ba mươi mấy năm qua, ngày mô cũng y chang như ngày nấy, mở miệng ra hỏi là toàn mấy tiếng “A dua?” (Are you?) Nhớ chuyện ngày xưa, nói răng cho ngạ, mới vô đệ Thất, thiệt sự thích nhất là giờ quốc văn của Thầy Dật! “Mấy chú đã lọt được vô đây, phải lo mà học! Còn như không thích học, thì đi chỗ khác chơi!” Thầy nói ro ro, nghe đã quá trời! Kiểu như Thầy, tài giỏi như ri có lẽ Thầy dư sức viết đến hàng trăm cuốn sách!

Năm ni mình đã thi đậu vô học trường công, tự hứa là không được lêu lổng như năm ngoái. Vì chịu khó ráng học chăm nên đủ điểm trung bình, đương nhiên cuối năm phải được thầy cô cho lên lớp. Dạn dĩ ra trò! Bài vở đã biết lo! Lại “sơ mi” môn quốc văn mới thiệt là “ác liệt”! Nguyễn Huy Đương tự nhiên đến kết bạn. Hắn trắng, tròn mũm mỉm như con gái, nhưng giọng nói oang oang và môn chi cũng giỏi. Nhưng giỏi nhất, là khi bị kêu lên bảng, hắn viết một câu năm bảy chữ là đã hết một hàng từ bên này qua bên kia tấm bảng! Thầy hay cô cũng sững sốt ngỡ ngàng! Năm sau, hắn vào học trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Một mình hắn tự lo liệu sang du học Úc Đại Lợi thiệt tài. Một Nguyễn Văn Cổ, vừa lùn, vừa đen, vừa loa, vừa khó! Rứa mà mình chìu chuộng hắn thiệt là hết nước tàn canh! Cưng như hoa thiên lý trên cành! Được mấy tháng, hắn cũng bỏ mình, theo gia đình lên ở trên Đà Lạt! Ông trời thiệt ác! Mình thiệt thằng ngu! Nhưng thôi, trời cho răng chịu rứa, biết nói răng chừ? Năm đệ Lục, được mấy “sơ mi” môn Sử Địa của cô Kiều My, môn Công Dân của Thầy Lê làm thêm mệt xác, kể luôn môn Nhạc của Thầy Văn Giảng càng thấy nặng tay. Năm đệ Ngũ, mình cũng chẳng kém ai, “sơ mi” quốc văn vì bài nghị luận văn chương của Thầy Dật! Những giờ thuyết trình theo nhóm, cùng họp nhau đọc sách, trích thơ. Lại rủ nhau theo phong trào Hướng đạo. Từ Thiếu lên Kha đoàn Trần Quốc Toản lừng danh! Đi trại Đạo Vạn Niên, 52 cờ giải nhất, đoàn đoạt sơ 51 cây cờ, cây thứ 52 là giải Kỷ Luật, nhường cho đoàn Nguyễn Trường Tộ mới mở! Tinh thần Hướng Đạo ngời sáng! Trưởng Nhơn, Trưởng Cường, Trưởng Tường, Trưởng Ngọ! Yêu quê hương, trưởng Võ Thành Minh thổi sáo bờ hồ! Đoàn Trường Sơn, Mai An Tiêm, Nguyễn Trường Tộ! Vừa mới lún phún mọc râu, mặt đốm trắng long beng, ồm ồm vỡ tiếng, mụn cám mụn cơm, lại bày đặt ngứa ngáy thày lay học… Võ! Mấy “thảo” Đồng Nhi, Bình Thân, Ngọc Trản đi quyền như gió, tay chân luyện tập ngày đêm, ngay cả trong khi ăn, lúc ngủ nên“lỏng lẻo như quai chèo”! Mình là người Việt Nam, phải học võ Việt Nam. Không như ai kia, “học dọi kẻ phù tang”. Võ sư Suzuki, vốn gốc Nhật Bản, nhưng làm cảnh sát Việt, mang tên là Phúc, dạy Karate đá “Kê a ghê và kệ cố mi” thiệt ngọt! Trương Phương Tuyên thi băng. Đậu xong chuyển sang Quốc Học. Một số học sinh Hàm Nghi được cho tình nguyện chuyển về trường Trung học Tổng Hợp Gia Hội vừa mới mở trong khuôn viên phủ cũ của ông Hoàng Mười. Lớp đệ Ngũ một không ai muốn chuyển. “Ông anh họ” cũng vừa giải ngũ, về trường Hàm Nghi dạy lại môn Toán và Anh Văn, do đó mình “bị” cả hai môn thiệt là cao hệ số.

Năm 1965, bãi bỏ thi “Đíp Lôm” tức là bằng Thành Chung Trung Học. Mình cũng thuộc thành phần đầu tiên được miễn thi bằng Thành Chung! Học hết năm đệ Tứ, muốn trốn sang Quốc Học, chui vào ban “C” liền bị “Ca” một mách! Bèn trở lại trường Hàm Nghi chọn lấy ban “Khoa Học Toán” tức là Đệ Tam B cho xứng đáng “nam nhi”! Như vậy, mình lại thuộc lớp đàn anh học lớp đệ tam của trường Hàm Nghi gồm hai lớp Đệ Tam A và Đệ Tam B vừa mới mở! Cũng chẳng khó chi, cuối năm kết quả đứng hạng thứ ba, nhưng bị Thầy Đổ Toản đề nghị cúp học bỗng vì lời phê trong sổ điểm! Oan và đau “hơn hoạn”! Đùa giỡn cả bầy nhưng chỉ chịu “mỗi mình ta!” Thôi cũng đành!

Tết Mậu Thân 1968 xớn rớn! Tuổi đôn quân bám sát! Thi Tú Tài 1 có tên trên “bảng trắng” và nguyên tên họ cùng số ký danh được đọc đến hai lần trên đài phát thanh Huế! Như rứa là được hoãn dịch “ở nhà đi học” thêm một năm. Năm sau, 1969, trường tổ chức vở kịch “Trận Bạch Đằng Giang” ở trên sông Hương trước Phu Văn Lâu: Cũng dàn trận chèo thuyền, quân Việt quân Tàu theo tiếng trống tiếng chiêng chèo chống đuổi nhau la hét vang lừng. Cao Minh Tân đóng vai Trần Hưng Đạo, trong khi mình bị chỉ định giữ vai trò trưởng ban “cứu thương” để lo“vớt kẻ trôi sông” bất phân thù bạn. Nhận chức vụ, nhưng không có việc làm vì chẳng có ai chịu rơi xuống nước để cho xuồng tới cứu! Không biết ai thò què thọt quẹt, thưa với thầy là mình chèo thuyền giỏi “một cây”! Thầy lập đội cứu thương bèn chọn mình làm trưởng nhóm! Việc biết chèo đò là chuyện như ri: Nhà ở Bến Ngự, sang học Hàm Nghi. Đò Thừa Phủ có ngày đi hai buổi! Đi riết phải quen ôn mụ Đẩu, anh Em tức cả nhả ba người của hai ôn mụ chèo đò qua lại. Chèo đốc, chèo lái thực tập hàng ngày, “cạy, bát” quen tay, đò vô thẳng bến. Mấy anh Quốc Học và mấy chị Đồng Khánh phải thường chen nhau khi xuống đò, trong khi mình ngược đường lại thong dong với mấy người bạn như Đông, Trai, Thành, Lân, Phúc, Thía, v.v. lúc sang sông! Hình như ai “phe mền” cũng biết chèo đốc, chỉ riêng mình là được ông Đẩu, anh Em dạy cho chèo lái! Chỉ có mấy nuộc mây tròng vận tai chèo là không được học cách chẻ, chuốc, lận, xây quanh vì ôn Đẩu cho rằng ngón tay mình “thư sinh” không đủ mạnh! Liên tiếp năm sáu năm trời chèo chống, mần răng mà chèo đò không cho giỏi đã chư? Trường Đồng Khánh và Quốc Học cũng tham dự chương trình văn nghệ liên trường, với chủ đề riêng, bây giờ không nhớ rõ. Mà cũng không cần nhớ làm chi. Chỉ nhớ vài buổi học với những giờ Toán và Lý Hóa, có lần cả lớp ngồi dưới đất vì những bàn ghế còn lại sau chiến cuộc, nhường cho các lớp đàn em. Thầy Phước dạy Toán, Thầy Nhiều dạy Lý Hóa ngập ngừng bước tới bước lui trên bục, không muốn chùi bảng mạnh tay sợ bụi phấn bay vào lũ học trò trong tư thế “phủi chân ngồi xuống đất!”. Tuy chỉ ngồi “xếp bằng” có mấy lần, nhưng vẫn còn nhớ mãi. Cuối năm, Đoàn Văn Hồng, trước tê mấy năm đệ Ngũ, đệ Tứ vẫn ngồi bên cạnh, bây chừ đổi sang ban A làm “thợ tụng” lãnh phần thưởng danh dự toàn trường khiến cho Đỗ Văn Tùng nổi danh “Văn Võ Toàn Tài” có lẽ buồn “năm phút”, trong khi Nguyễn Hồng Tuấn năm ngoái đậu Ưu ở trường khác, năm nay “sáp nhập” vô lớp đệ Nhất B của Hàm Nghi, thi tú tài 2 đậu xuống hạng Bình, lại mê theo mấy nốt nhạc lời ca xàng xự! Kỳ thi tú tài 2 tại trung tâm Đồng Khánh, Nguyễn Hồng Tuấn và mình có số ký danh liền nhau, khiến cho một số các bạn cùng lớp “có thành kiến”, cho đến khi biết chỗ ngồi thi, tuy cùng phòng, nhưng mỗi đứa ngồi một góc cách nhau cả đường chéo căn phòng có Đỗ Văn Tùng ngồi chính giữa lớp! Ngày có bảng, một số kéo về nhà mình ở Bến Ngự. Trưởng lớp Cao Minh Tân sáng giá lại hỏng kỳ đầu, nói không ai tin, phải thi kỳ sau đậu Bình Thứ thiệt oái oăm tức trí! Ban B gồm 27 người, kỳ đầu đậu 20 tên, với hai người đậu Bình là Đỗ Văn Tùng và Nguyễn Hồng Tuấn. Đậu Bình Thứ như Hồ Đình Hưng, Nguyễn Duy Tâm, Nguyễn Văn Thành, v.v. Tỉ lệ đậu trước sau cả hai kỳ trên 85% thiệt là cao nhất nước, đúng y chang lời truyền “cái ngạch đất nhà trường!”.

Sau kỳ thi tú tài 2, Đỗ Văn Tùng, Nguyễn Khoa Hội học Khoa Học. Nguyễn Hồng Tuấn thi đậu Đại học Sư Phạm Toán, ngành thường xuyên 4 năm. Khi học xong, sẽ ra giáo sư trung học đệ nhị cấp, chỉ số lương là 420, chánh ngạch hạng A. Nhưng chỉ sau một năm theo học, Nguyễn Hồng Tuấn tỏ ý chán không muốn tiếp tục học ra đệ nhị cấp, bèn ký giấy xin ra trường sau hai năm, chọn đi thực tập ngay, vội ra trường dạy Toán đệ nhất cấp, chỉ số lương còn 380, ngạch hạng B, thành thử học trước sau chỉ có 2 năm! Trước ngày ra trường, Nguyễn Hồng Tuấn thường tâm sự với mình: “Tau ngu quá, phải chi biết trước mà bắt chước mi để thi vô ban Việt Hán!”. Nhớ ngày hai đứa rủ nhau cùng nạp đơn thi vô Sư Phạm, Nguyễn Hồng Tuấn nói: “Bộ mi khùng hay răng mà thi vô ban Việt Hán?” Hai thằng cùng đậu, cùng rủ nhau đi “bụi đời” sống bằng cách dạy kèm trong Tây Lộc. Hơn một tháng, hai đứa lại rủ nhau về lại nhà của Nguyễn Hồng Tuấn ở trên đường Nguyễn Hiệu gần ngã tư Âm Hồn. Sống ké nhà bạn, qua Tết, mình vì trong lúc bất bình nổi máu Trương Phi, dẹp yên các “Anh Hùng Cư Xá” nên được thầy Hà Thúc Hoan đang giữ chức Sinh Viên Vụ của Đại Học Sư Phạm cho vô giữ chức Trưởng ban Kỷ Luật của cư xá Sư Phạm trên đường Đội Cung sau lưng trường Kiểu Mẫu, ở cho đến khi ra trường. Tình cảnh của Nguyễn Hồng Tuấn có lẽ cũng tại số phận: Học ban Toán-Lý Hóa: Thi tú tài 1 đậu ưu; tú tài 2 đậu bình nhưng không được du học có lẽ vì không “quen biết” với người trong Bộ Giáo Dục, lại vướng cảnh  nghèo! Được biết, năm 1969, chính phủ Mỹ cho 6 học bổng “Quốc Gia” dựa theo tiêu chuẩn kết quả hai kỳ thi tú tài ai đậu cao nhất sẽ được. Toàn quốc chỉ có 4 người đậu ưu tú tài 1 và tú tài 2. Nguyễn Hồng Tuấn và một người nữa có một ưu và một bình. Thế mà lại lọt sổ để cho một người có thần thế chỉ có tú tài 1 hạng bình và tú tài 2 cũng hạng bình du học! Biết chuyện, Nguyễn Hồng Tuấn chỉ cười một cách bình thản, không lộ vẻ tức giận hay than tiếc! Chuyện thi “lộn ban” cũng thường. Chẳng hạn, cùng niên khóa, có Nguyễn Văn Tư thi đậu vào sư phạm Anh Văn, chợt nhận ra là mình nạp đơn thi lộn ban, sẵn sàng trả 50 ngàn đồng (hai tháng lương giáo sư) cho những ai bên ban Việt Hán muốn đổi, nhưng chẳng ai trả lời! Hồ Đình Hưng du học Đức. Nguyễn Duy Tâm học Kiến trúc. Riêng mình lại trở chứng, muốn làm ông đồ, thi vô Sư Phạm học bốn năm, mày mò chuyện sắp cây “ngang bằng sổ thẳng” theo cái kiểu “thiên trời địa đất” với ý chỉ “tri hồ giả dã!”. Vác mặt về thăm trường, Nguyễn Hồng Tuấn được Thầy Dật khen “Giỏi”, còn mình, thầy phán “Cái thằng ni, tưởng cụ mi vô Y khoa bác sĩ, hay ít ra cũng Toán Lý Hóa nọ kia, ai từng đời theo Sư Phạm Việt Văn, thôi, ta không thèm nhìn mặt!” Ra Di Luân Dường, chào ông Lục, “À, cái thằng quỷ sứ của trường Hàm Nghi, mi còn trở lại đây để định làm cái chi chi?” Chưa hết, Thầy Lê Hiếu Kính gọi oang oang trên máy: “Trò tê mau lại đây, vì răng không đồng phục?”.

Đoàn văn Hồng bị đôn quân, phải đi làm “Cán Bộ Kỹ Thuật”. Cao Minh Tân vào Khoa Học nhưng lại bỏ dở nửa chừng khoác áo Hải quân. Số những bạn bè còn lại chịu cảnh chia phân tình đời ngang dọc!

Năm 1970, nghe tin trường Hàm Nghi nhận thêm vài nữ sinh do bà hiệu trưởng Tôn Nữ Tiểu Bích của trường Đồng Khánh Thành Nội gởi sang. Thì cũng hơi giống chuyện nam nữ học chung như bên trường Khải Định thưở trước!

Năm 1975, thế sự đi đến chỗ tan hàng bể dĩa, dân Hàm Nghi phân tán tứ phương. Trường Hàm Nghi giải thể. Bây chừ, nói như Đoàn Văn Hồng: “Vui nhất là tha hương ngộ cố nhân”. Trước hết là mừng gặp lại Thầy hiệu trưởng Hồ Văn Lê, Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Phiên, Thầy Giám học Võ Văn Dật và cô Minh Lệ ở bang California. Sau lại nghe tin cô Túy Hồng ở bang Washington. Đã gặp lại các bạn Hồ Công Dương, Thân Đình Châu ở Úc; Võ Văn Trang, Đoàn Văn Hồng ở Mỹ. Qua điện thoại “mi tau” với các bạn Nguyễn Duy Tâm, Nguyễn Thiện Mật, v.v. Thương nhớ các bạn học giỏi nhưng kém may mắn như Cao Minh Tân, Nguyễn Hồng Tuấn. Qua Email, liên hệ được với các bậc đàn anh của các niên khóa trước, và các bạn Hàm Nghi cũ mới, thắt ch?t tình thân hữu tương giao.

Hình ảnh và tên các Thầy các Cô vẫn rõ ràng trong trí: Thầy Hồ Văn Lê, Thầy Nguyễn Đình Phiên, Thầy Nguyễn Duy Khác, Thầy Võ Văn Dật, Thầy Lê Hiếu Kính, cho đến Thầy Tùng, Thầy Phổ trong ban giám thị điều hành. Thầy Phước, Thầy Toản, Thầy Nhiều, Thầy Lan, Thầy Hoa, Thầy Võ, Thầy Chân, Thầy Thiện, Thầy Lữ, Thầy Chữ, Thầy Ái, Thầy Uyển, Thầy Huế, Thầy Xước, Thầy Liễn, Thầy Thắng, Thầy Thuyên, Thầy Trí, Thầy Bính, Thầy Châu, Thầy Tài, Thầy Khuê, Thầy Giảng, Thầy Bằng, Thầy Hiếu, Thầy Oanh, Thầy Tri; Cô Hoắc Hương, Cô Minh Lệ, Cô Sa Đa, Cô Yến, Cô Kim Tiêu, Cô Túy Hồng, Cô Kiều My, Cô Nguyệt Blanc, Cô Nguyệt Noir; Cô Hương Hảo, cô Hạnh. Ngoại trừ các Thầy Phiên, Kính, Tùng, Phổ, Thiện, Bằng, Lữ, là không có duyên được theo học, còn các thầy cô khác, nhiều thì hai ba năm, ít thì một vài tháng! Kể ra như ri không biết có còn sót tên Thầy Cô mô nữa không hè? Thôi, có sót thì cũng đành ráng chịu vì chất xám trong đầu với lứa tuổi lục tuần trải qua nửa thế kỷ mà nhớ được như ri là… quá khá chứ đừng có tơ có tưởng nọ kia!

Tên các bạn cùng lớp trước kia như Hồ Ngọc Sơn vào Quốc Gia Âm Nhạc; Trương Huế sang học Nông Lâm Súc; Phan Chánh Nguyên vào Cao Đẳng Mỹ Thuật, Nguyễn Viết Dờ đi Quân Cảnh; Trương Tìm, Nguyễn Văn Ngắn, Phan Văn Cò, Trần Văn Ngư đi Hạ Sĩ quan Đồng Đế; Hoàng Ngọc Điền đi Phi công; Đoàn Văn Hồng đi Cán Bộ Kỹ Thuật; một số lớn như Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Cổ phải vào trường Bộ Binh Thủ Đức; Bùi Kế Giản, Cao Minh Tân đi Hải quân; Nguyễn Duy Tâm học Kiến Trúc; Hồ Đinh Hưng, Nguyễn Huy Đương xuất ngoại! Một số tiếp tục học lên các ngành như Thân Trọng Tuấn, Nguyễn Hồng Tuấn học Đại Học Sư Phạm; Đỗ Văn Tùng, Nguyễn Khoa Hội học Khoa Học Tạo tác, Hồ Công Dương chọn Y Khoa. Thân Đình Châu, Nguyễn Thiện Mật học sư phạm Quy Nhơn. Các bạn còn lại như Thái Nguyên Đại, Ngô Đình Lô, Trần Thiện Tuấn, Nguyễn Tuấn, Cao Xuân Thiện, Nguyễn Thiện Chiến, Đỗ Văn Nam, Lê Thành Trai, Nguyễn Sửu, Nguyễn Thành Trung, Vĩnh Võ, Trần Sung, Phan Đình Tôn, Trịnh Sỹ, Võ Quang Minh, Nguyễn Văn Điền, Hoàng Ngọc Chánh, Võ Bá Chức, Lê Đức Huế, Hồng Ngọc Thi, Nguyễn Chí Thành, Cung Trọng Thống, Trần Ngọc Phú, Hồ Phú, Lê Đình Thám, Nguyễn Nghĩa, cùng các bạn khác không nhớ họ như Mộng, Hải, Lộc và những bạn cũ nhưng quên hết tên, không biết bây chừ ra răng?

Viết tới đây chợt nhớ thêm mấy chuyện bèn gài thêm mấy chút, thiệt rõ ràng trái lời Thầy Dật trong cách “em tập làm văn”. Tùy bút kiểu ni: Cứ mặc kệ cho ý tuông ra được cái chi thì vội ghi liền cái nấy! Nhớ những lúc trước khi vô trường phải chờ phải chực ông Cai chơi cái kiểu đủng đa đủng đỉnh ôm xâu chìa khóa leng keng ra mở cổng! Ông Lợi nhỏ người nhưng có giọng thiệt to! Ông Lục hiền lành, đánh trống rất đúng giờ. Nhiều khi ông Lục phải cho mấy cái thằng quỷ sứ trường Hàm Nghi mượn đỡ đôi dép làm bằng vỏ bánh xe cao su của ông để cho tụi hắn “quang vào lớp” xong chờ hết giờ mang ra trả lại. Bác Phương thư ký có ống điếu thuốc lào “bắc kỳ thứ thiệt!”. Buổi sáng chào cờ, hát quốc ca có một anh lên đánh nhịp. Thầy Tổng Giám Thị đứng trên bậc cấp của Di Luân Đường trước máy vi âm kiểm soát học sinh, kêu những kẻ đi dép không quai, không huy hiệu lên ghi tên vào sổ… Hàng tháng, sau khi nhận chia phiên trực, học sinh phải đi trực đúng giờ đúng giấc. Trước kia phải đồng phục trắng, sau bỏ, chỉ đồng phục thường quần xanh áo trắng nhưng có mang băng trên cánh tay để phân biệt. Lên trình diện Thầy Tổng Giám Thị là Lê Hiếu Kính và thi hành chỉ thị phải đúng y bong! Thầy ngó “oai nghiêm” trước máy vi âm trên Di Luân Đường như “Hàn Tín điểm binh” khiến học trò sợ “théc léc”; nhưng khi làm việc mới thấy Thầy Tổng Giám Thị “hiền thiệt là hiền” và “cách ăng noái của Thầy dễ thương chi lạ!”. Học sinh trực có trách nhiệm như: Mang thông cáo đến các lớp. Cầm giấy gọi học sinh lên văn phòng với mọi vấn đề. Sắp xếp hồ sơ các thứ! Nhắc nhỡ kỷ luật: Cấm đi xe đạp trong sân trường. Cấm ngồi lộn chỗ trong lớp. Cấm hút thuốc lá. Cấm đập bậy. Cấm đi dép đến trường! Có khi, thông cáo cấm chen chúc trong bếp nhà ông Lợi! Ui chao! Ổ bánh mì xịt xì dầu sáng sớm! Cái bánh ram vàng nâu béo ngậy có con tôm ôm miếng thịt đầu ngày. Miếng kẹo đậu phụng kẹp bánh tráng thơm ngọt dẻo bùi lúc ra chơi! Suốt bảy năm trời, chưa hề nghe thông cáo cấm ăn chè hay uống nước mía của mụ Ký góc đường Tống Duy Tân và Đinh Bộ Lĩnh nhìn ra cửa Thượng Tứ xéo góc Tam Tòa! Nhớ khúc đường sau trường băng ngang qua viện bảo tàng Khải Định, lâu lâu có một mụ ăn mặc thiệt sự ra chi đúng cái kiểu “mượt mà chỏng lỏn” theo cái mốt “áo gấm bảy màu nón thượng quai găng”, kêu réo ngân nga giọng dài thậm thượt “Ơi! Con trai mụ bán cháo gà mau trả tiền lại cho tau!” Mụ tuy nhỏ người nhưng không biết cách răng mà mụ lại có cái giọng kêu la thiệt lớn, điếc óc đinh tai! Ngài Ngự Bảo Đại đã qua bên Pháp sống từ mô cái thời “ông Tam Tạng thỉnh kinh” mà mụ vẫn chưa hề hay biết, nên chi thỉnh thoảng mụ mới đi vòng quanh cửa Hiển Nhân “chơi cái trò kêu la” đòi nợ! Nhớ ơi là nhớ! Tết đến, văn nghệ Tất niên vui quá là vui. Hát riêng trong lớp có Trần Đình Châu, Trần Ngọc Phú lo toan! Phan Chánh Nguyên cũng “nhảy tuýt nhảy tiếc” qua bài Đêm Đô Thị giật gân. Báo Xuân, Bích báo rộn rã hương xuân. Có năm trường Hàm Nghi lại thuê nguyên nhà hát lớn, cho tổ chức chiếu phim Tarzan đen trắng, hay ca kịch rộn ràng này nọ. Tài năng mới không ai ngờ, tự nhiên xuất hiện. Mấy tên “nghệ sĩ” này lâu nay mai danh ẩn tích không ai biết tiếng, cứ tưởng “mấy eng” cũng giống như các tượng đá kê trước sân trường, im lìm dưới gốc mấy cây cối lẫn lộn cây mù u to tổ chảng lớn hơn vòng tay ôm, bây chừ ra sân khấu với áo da, đàn guitar điện, nhấp nháy ánh đèn màu khua âm thanh “de dé” hay hết chỗ chê!

Gần năm chục năm rồi còn chi? Mấy cái thằng cùng lớp ngày xưa bây chừ có đứa đã lên làm ông nội, ông ngoại, sống rải rác khắp năm châu. Thời thế tạo nên cảnh dân Hàm Nghi đem chuông Việt Nam đi đánh nước người: Có kẻ hoạn lộ thênh thang, giữ chức ông Đốc, ông Ty, ông Trưởng; hoặc chính khách xa lông, làm ông nghị, hay mơ làm ông thống đốc. Quý vị làm Bác sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Giáo sư, Thương gia, Kỹ nghệ gia, Khoa học gia, v.v. xét ra có đủ, và hình như chỉ thiếu mấy vị Mục sư, Thượng tọa, Phù thủy, Thầy mo các thứ. Cũng có kẻ nhận chân cảnh thế phù du, vừa đến tuổi đã vội nghỉ hưu… cho nó khỏe! Tùy phước đức ôn mệ! Cùng trang lứa với nhau, có kẻ sống sang giàu, có người lo tất bật! Cho dù sướng hay cực, học chung trường vẫn tình nghĩa đồng môn! Tuy nước chảy đá mòn, nhưng tình xưa vẫn thế! Ngán thay đời dâu bể! Và chao ơi! Nghĩ tới “cái hồi còn bé”, nhớ cách chi mà nhớ rứa a thê!

Ơi các bạn Hàm Nghi!

Ơi ngôi trường nhỏ tí!

Thôi xin tạm gởi chút chi, từ những gì xưa cũ!

Không biết vì răng mà cứ thương, cứ nhớ mãi như ri?

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Website 2003-2007

Website hoạt động từ 2003 đến 2007. Mời Nhấn vào đây

Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
Logo Họ Nguyễn
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Họ Nguyễn
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Thăm dò ý kiến

Ban biết gì và lịch sử Trường Hàm Nghi Huế?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi