LAN MAN MỘT CHÚT MƯA

Thứ tư - 19/10/2005 21:00
Huế vào mùa mưa. Năm nay mưa muộn, lạnh cũng muộn, cuối tháng mười mà mãi mới có những cơn mưa phùn se lạnh sau những đợt nóng oi bức như đầu hè. Mưa làm nhớ những ngày còn nhỏ, trời lạnh lất phất mưa bay, trùm cái áo mưa đi bộ lòng vòng vừa đi vừa nhai bắp rang, những hột bắp nóng ấm trong túi áo, nhai bùi bùi béo béo. Ở nhà trời lạnh me tôi hay rang bắp bằng cái nồi đất có cát ở trong, để cát thật nóng, cho bắp vào trộn đều rồi đậy nắp lại cho bắp nổ lục bục một lúc là được. Bắp rang kiểu này không nổ bung như bắp rang bơ bây giờ mà có ít nhất một nửa vẫn không nở được. Ai răng yếu ăn bắp nở, hột không nở thì dành cho những đứa như tôi, ăn gì cũng được, “ăn như thúng lủng khu”.

Huế vào mùa mưa. Năm nay mưa muộn, lạnh cũng muộn, cuối tháng mười mà mãi mới có những cơn mưa phùn se lạnh sau những đợt nóng oi bức như đầu hè. Mưa làm nhớ những ngày còn nhỏ, trời lạnh lất phất mưa bay, trùm cái áo mưa đi bộ lòng vòng vừa đi vừa nhai bắp rang, những hột bắp nóng ấm trong túi áo, nhai bùi bùi béo béo. Ở nhà trời lạnh me tôi hay rang bắp bằng cái nồi đất có cát ở trong, để cát thật nóng, cho bắp vào trộn đều rồi đậy nắp lại cho bắp nổ lục bục một lúc là được. Bắp rang kiểu này không nổ bung như bắp rang bơ bây giờ mà có ít nhất một nửa vẫn không nở được. Ai răng yếu ăn bắp nở, hột không nở thì dành cho những đứa như tôi, ăn gì cũng được, “ăn như thúng lủng khu”.

Con đường dọc bờ thành mà tôi hằng quen đi lại lúc nào cũng đẹp. H. thích gọi là đường “phượng bay”, tôi chê từ này “sến”, vì với tôi con đường gây ấn tượng bởi hàng cây muối chứ không phải là hoa phượng. Trái muối làm đạn bắn súng thụt của thuở bé thơ đi bộ theo ông anh để giữ dép cho anh trèo cây hái trái.

Con đường có hai hàng cây đan cành tạo thành một cái vòm xanh ngút mắt, tôi với H. cứ hẹn nhau ở đó để cùng đi học, bữa nào đi ngang qua cửa Hiển Nhơn thấy bên trong có xe đậu ở cổng các miếu thờ tức là các cổng sẽ được mở cho vào xem, H. lại rủ tôi “cúp cua” để vào chơi trò làm vua. Vua đi trước, lính hầu đi sau, vua không đi đúng điệu vua sẽ bị giáng xuống làm quân hầu và đến lượt quân hầu lên làm vua. Thịnh - suy, chao ơi, chỉ trong nháy mắt!

Tôi vẫn yêu con đường đi học nhưng lại ghét cái cảm giác khi nhìn lại ngôi trường cũ. Sân trường bây giờ sao trống huơ trống hoác. Mấy cây bàng, cây mù u già đã bị chặt hết thay bằng bồn hoa và sân gạch. Ngôi Di Luân Đường nhìn từ bên ngoài, ngăn cách một khoảng đất giờ quá rộng, tự nhiên thấy nhỏ bé và xa lạ. Còn đâu ngôi trường ấm cúng, đầy bóng bạn bè của thời mới lớn!

Thuở đi học sân trường sao thấy chật lắm, đi đâu cũng thấy người, nhiều khi kéo H. ra tận bờ rào để nói chuyện vẫn không được yên thân. Muốn tha thẩn một mình thì phải đi học thật sớm, khi đó mới rảnh mà lượm trái mù u hay bứt mấy cánh lá bàng đầu mùa non mơn mởn.

Sau khi không còn trường nữa tôi vẫn hay có dịp lui tới đó. Ở nhà tập thể ngay phía sau, mỗi chủ nhật tôi hay dong lũ con sang đấy chơi đùa, leo lên leo xuống mấy bậc thềm đá thanh nhẵn bóng vì không biết bao nhiêu thế hệ học sinh ngồi. Rồi tu sửa Di Luân Đường, làm việc với Bảo Tàng… nhiều dịp được vào lại những phòng học cũ, tìm lại những vết tích ghi dấu kỷ niệm xưa. Vậy mà nhắm mắt lại, kỳ lạ thay, hình ảnh tôi hay nhìn thấy nhất, trong tâm tưởng, về ngôi trường cũ lại là mấy gốc cây xù xì, mấy trái mù u xanh nhạt lăn lóc bên cạnh, lẫn lộn với gạch ngói vụn và trên gốc cây đầy mắc lồi lõm là một cành non bé xíu với mấy cái lá xanh mướt!... Nhiều khi tự hỏi tại sao như thế. Có lẽ do tôi mê lá cây, từ thuở nhỏ.

Người dạy tôi những bài học vỡ lòng đầu tiên về cây lá là me tôi với trò chơi tìm lá, đi khắp trong vườn tìm cho được càng nhiều loại lá càng tốt, ai có loại mà người khác không có thì được thưởng. Rồi lá cây trong khu vườn rộng theo tôi lớn lên. Lá cây vả to nhất dùng lợp mái lều dưới gốc cây. Lá mít, lá ổi kết lại làm áo mão của vua quan. Lá chuối quấn làm kèn, tước nhỏ thành sợi làm râu ông già. Lá cẩn xắt nhỏ bỏ vào nước cho ra chất nhớt giả làm chè, múc ra chén cũng bằng lá, bán ra thu tiền cũng là lá cẩn…Lớn lên một chút thì biết đi tìm những cái lá mít đã mục chỉ còn trơ lại xương lá, phơi khô ép vào vở hay dùng trang trí thiệp Noel, thiệp Tết, muốn lá mau mục thì lấy lá già ngâm vào nước vo gạo, lá phải già nếu không cả xương lá cũng mục theo…

Vườn nhà tôi rộng, nhiều cây. Mùa hè me tôi hay sai quét lá gom lại từng đống rồi dùng để nấu nước, nấu cơm. Bắc cái kiềng bếp bằng sắt hay ba cục đá dưới bóng cây, nắng rọi tới thì dời bếp qua chỗ khác. Đun lửa bằng lá cũng phải có kỹ thuật, hễ muốn cháy tốt thì không được đun nhiều, người hay sốt ruột muốn cháy cho nhanh thì chỉ làm lửa tắt. Thuở bé thơ tôi học bài học về sự điềm đạm, kiên nhẫn như vậy đó. Lá khô mỗi thứ cháy một kiểu khác nhau. Lá nhãn dễ bắt lửa và cháy nhanh. Lá cây vải vì có nhựa bên trong nên cháy ào ào, lá tươi vẫn cháy được, đun lá vải phải coi chừng cháy lan ra chung quanh. Lá chuối khô thì cháy lào phào lúc tắt đi thì tàn tro cũng không còn. Tôi thích đun lá cây vú sữa vì nó cháy điềm đạm, lặng lẽ, tàn tro đượm hơn, tắt rồi chỉ thổi nhẹ là cháy lại được, tạo một cảm giác an tâm. Đun lá cây khô còn phải biết ý tứ huống chi ra sống ngoài đời.

Thời hiện đại thì giờ sao mà ít. Ngày vẫn dài 24 tiếng đồng hồ mà thấy qua thật mau. Hình như càng lớn tuổi càng thấy thiếu thời gian, việc thì nhiều mà ngày như ngắn lại. Không còn thì giờ ngồi khều từng ngọn lá khô để nấu cơm đun nước, mặc dù vẫn thèm cái mùi hăng hăng của thức ăn, thức uống trộn lẫn khói. Thậm chí không còn thì giờ để quét dọn lá khô, cây to chặt đi, thay bằng lối đi và cỏ Nhật, chỉ còn mấy cái cây bé tý tôi mang về trồng trong chậu sứ. Tôi thương lũ con không có được tuổi thơ chơi đùa với cây lá như tôi. Tôi thương chúng không được hít cái mùi khói bếp ấm cúng của trời đông. Củ khoai củ sắn lùi trong tro bếp bốc ra nóng bỏng cả tay. Bánh khoái đổ trên bếp than giữa nhà bốc mùi thơm lựng. Con tôi không bao giờ cảm nhận được sự thiêng liêng của buổi sáng mồng một Tết như tôi khi thấy me tôi ngày đầu năm mới, việc đầu tiên là nhóm lại cái bếp đã được dọn sạch sẽ từ đên giao thừa, nấu một ấm nước đầy và giữ lửa đỏ suốt ngày đầu năm, mong ước suốt năm sung túc và ấm cúng vui vầy. Bây giờ, sáng mồng một Tết, tôi vẫn giữ cái thông lệ mà tôi xem như là một nghi lễ ấy -  nhóm bếp nấu một ấm nước đầy. Tiếc thay đời sống hiện đại đã tước mất của tôi sự thiêng liêng nên thơ mà tôi mong giữ mãi. Bởi tiếng cái bếp ga bật lên kêu đánh xạch một cái sao mà lạnh lùng không như một bếp lửa ấm cúng tro than.

Để thay thế cái bếp lửa nay đã lùi xa vào ký ức, tôi hay thích đốt đèn cầy. Bạn bè mua cho tôi từ khắp nơi những cây đèn bằng thuỷ tinh, bằng gốm đủ các màu. Tối trời thắp đèn nến lung linh cũng nên thơ lắm, nhất là lúc mất điện tôi rải đèn khắp nhà, trời bão, trời lụt cũng mặc kệ, những ánh nến đủ làm vui và yên lòng mấy mẹ con. Những buổi tối trời Huế lạnh căm căm, ngồi với T. ở cái góc nhỏ nơi phòng khách, tôi cũng đốt đèn, ánh nến lung linh sáng thêm trong ly rượu màu hai đứa chia nhau uống cho ấm những nỗi niềm muộn màng.

Mỗi năm mỗi tuổi, thấy mình thêm lẩn thẩn, cứ ưa chăm chút cho những điều nhỏ nhặt, cố tìm trong những nhỏ nhặt của cuộc đời một chút thơ.

NTTV- HN, 69-75

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Website 2003-2007

Website hoạt động từ 2003 đến 2007. Mời Nhấn vào đây

Logo Họ Nguyễn
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Họ Nguyễn
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Thăm dò ý kiến

Ban biết gì và lịch sử Trường Hàm Nghi Huế?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi