ĐƯỜNG XƯA THÀNH NỘI

Thứ tư - 19/10/2005 21:00
Khi người bạn hỏi tôi qua điện thọai, “Này, cái trường Thiếu sinh quân ngày xưa của Đệ Nhị Quân khu, nằm ở đường Bộ Tham hay đường Bộ Thị?” Tôi khựng người trong một thoáng mới trả lời được, vì phải bắt bộ nhớ làm việc trong mấy giây để phủi bớt đi lớp bụi thời gian cho quá khứ hiện ra. Nếu bạn đọc có trong tay bản đồ du lịch của Huế ngày nay thì dễ thông cảm với người viết trong mấy dòng hòai niệm này.

Khi người bạn hỏi tôi qua điện thọai, “Này, cái trường Thiếu sinh quân ngày xưa của Đệ Nhị Quân khu, nằm ở đường Bộ Tham hay đường Bộ Thị?” Tôi khựng người trong một thoáng mới trả lời được, vì phải bắt bộ nhớ làm việc trong mấy giây để phủi bớt đi lớp bụi thời gian cho quá khứ hiện ra. Nếu bạn đọc có trong tay bản đồ du lịch của Huế ngày nay  thì dễ thông cảm với người viết trong mấy dòng hòai niệm này.

Việc nhà có số phố có tên chỉ  có từ khi Pháp đô hộ Việt Nam, phát triển đô thị theo mô thức phương Tây. Ở đâu không biết, chứ riêng trong Thành Nội - tức Kinh thành Huế - nhà có số đến trước phố có tên. Phải từ 1945 mới thấy những con đường trong Thành Nội được đặt tên theo kiểu mới, còn trước đó, người ta chỉ gọi theo thói quen. Trên con đường, hễ thấy có cái gì đó nổi bật, có thể chỉ dẫn mọi người một cách dễ dàng, người ta lấy ngay vật ấy làm tên đường. Như đường Âm Hồn, tức Lê Thánh Tôn ngày nay, chẳng hạn. 

Thời tôi còn trai trẻ, cái tên Âm Hồn rất thông dụng, nghe dễ sợ đối với người lạ, vì gợi ra cảnh hồn ma bóng quế, nhưng đối với mấy chàng, Âm Hồn lại là con đường dễ… thương, vì có nhiều người đẹp. Chả thế mà trong hồi ký Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ... quên quên, tác giả Quế Chi Hố Đăng Định, dù nay đã hai thứ tóc trên đầu, vẫn còn nhớ và kể tên vanh vách các người đẹp nay đã lên chức bà nội cũng bà ngọai. Cũng như cái tên Quán cơm Âm phủ vậy, nghe âm u rùng rợn, tưởng như phải ăn cơm chung với cô hồn các đẳng,  nhưng  thực tế lại là một nhà hàng có thức ăn ngon, thực đơn độc đáo, người đã nếm rồi cứ muốn trở lại ghé thăm, không phải chỉ một lần. Mà sao lại gọi là đường Âm Hồn? Muốn biết, phải tới  ngay góc đường Lê Thánh Tôn và Mai Thúc Loan, sẽ thấy ở đó có một cái miếu nhỏ, sát ngay bên đường, gọi là Miếu Âm Hồn. Ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu (5/7/1885), kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải rời cung điện chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần vương.  Khi quân Pháp từ Mang Cá đánh ra, phối hợp cùng  quân Pháp từ Tòa Khâm sứ bên kia sông Hương - chỗ Đại học Sư phạm bây giờ - đổ quân đánh vào, quân lính và dân chúng chết như rạ, sau đó người ta phải đào hố chôn tập thể. Mấy chục năm sau, người ta phát hiện được một hố như thế, bèn hốt cốt đem cải táng ở chân núi Ngự Bình, rồi lập miếu thờ, hàng năm cứ tới ngày 23 tháng Năm lại tổ chức cúng tế rất long trọng. Truyền thống đó vẫn còn giữ được cho tới bây giờ, dù biết bao thế hệ đã qua đi. Cái miếu tuy nhỏ nhưng nổi tiếng nên được dùng để chỉ con đường chạy ngang trước miếu, thành ra đường Âm Hồn. 

Từ ngoài cửa Thượng Tứ - Tây gọi là Mirador VIII - đi vô, con đường thẳng tắp một mạch từ Thương Bạc cho tới Cầu Kho, ra đến  cửa Hậu (Mirador I), ngày nay có tên là đường Đinh Tiên Hòang, trước 1975 là Đinh Bộ Lĩnh  (Đinh Bộ Lĩnh hay Tiên Hòang cũng chỉ là một ông họ Đinh ở Hoa Lư, nhưng chắc nghe Tiên Hòang có “khí thế” hơn Bộ Lĩnh nên đổi cho nó oai?!)  Xưa kia con đường này có nhiều  tên: đọan từ Thương Bạc vô đến cửa Thượng Tứ, ngắn ngủn, lại mang tên Tây, Rue de la Citadelle, nhưng dân Huế chỉ quen gọi là đường Thượng Tứ. Đoạn này tuy ngắn nhưng có hai tiệm chụp hình nổi tiếng, từng chụp ảnh cho cung đình, nào Nam Phương Hòang hậu, nào vua Bảo Đại, nào triều đình…, đó là Tôn Thất Dung và Tăng Vinh; sau 1945 còn họat động một thời gian rồi mới chấm dứt. Đường Thượng Tứ còn được người ta nhớ với tiệm ăn Lạc Thành và bánh “khoái” Lạc Thiện. Lạc Thành thì đóng cửa đã lâu, nhưng Lạc Thiện vẫn còn sống hùng sống mạnh và hấp dẫn du khách.

Từ cửa Thượng Tứ vào Hộ Thành thì có tên là đường Hộ Thành, đọan chạy ngang hồ Tịnh Tâm  có tên là đường Tịnh Tâm, còn đọan từ Cầu Kho đi vào, không nhớ có mang tên đường Cầu Kho hay không. Nay ai nhớ, xin nhắc giùm! Từ cửa Thượng Tứ đi vào, vừa vô khỏi cửa, sẽ gặp con đường chạy sát chân thành cắt ngang, đó là đường Thượng Thành.  Rẽ ngay về tay trái một đọan, nơi chỗ Tỳ Bà Trang do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sáng lập, ngày xưa là trụ sở của Tam Pháp Ty hay Tam Pháp Bộ Hình, cơ quan xử án tối cao của Nhà Nguyễn, nơi bất cứ lúc nào dân cũng có thể tới đánh trống kêu oan để được thu nhận đơn, và cứu xét theo thủ tục khẩn cấp. Cái vụ đánh trống kêu oan nổi tiếng hơn cả là vụ bà Bùi Hữu Nghĩa. Ông Bùi Hữu Nghĩa, người tỉnh An Giang, đậu Thủ khoa thi Huơng năm 1835, đời Minh Mạng, làm Tri huyện, bị vu oan, mất chức, bị đày làm lính. Bà Bùi Hữu Nghĩa đã từ Vĩnh Long đi ghe ra Huế, đến Tam Pháp ty đánh trống đăng văn để nộp đơn  kêu oan cho chồng, cứu được chồng thoát nạn.

 

Cửa Thượng Tứ trước 1945

Từ cửa Thượng Tứ đi vô một đọan, có con đường cắt ngang,  mang tên Tống Duy Tân. Con đường này, ngày xưa, đoạn  tay trái chạy ngang trước Quốc Tử Giám - sau làm trường Trung học Hàm Nghi  có tên là đường Quốc Tử Giám; còn  đọan bên tay phải, chạy ngang trước Tam Tòa, mang tên là đường Tam Tòa. Khuôn viên Tam Tòa này cũng tang thương biến đổi dữ lắm. Đầu tiên, đó là phủ của vua Minh Mạng khi đang còn là Hòang tử, rồi làm Thái tử, sau vua cho người em, một thời gian, lại lấy đất xây chùa Giác Hòang. Rồi Tây chiếm, làm trại lính khi thất thủ kinh đô (7/1885).  Sau đó, ngưòi ta xây ba tòa nhà, tòa ở giữa dành cho Viện Cơ Mật, tòa bên trái làm Musée Economique (Bảo tàng Kinh tế), tòa bên phải là cơ quan cố vấn của Bảo hộ cạnh 6 bộ của triều đình, gọi là Delégations aux Ministères, mấy ông gọi là Nha Hội lý.  Và đấy là lý do có cái tên Tam Tòa. Cũng về phía này, nơi khu vực trường Trần Quốc Tỏan ngày nay, xưa kia là Viện Thượng Tứ với hai đơn vị kỵ binh là Khinh Kỵ vệ và Phi Kỵ vệ, khiến cho cái tên cửa Đông Nam bị quên lãng để trở thành cửa Thượng Tứ, và cái thành ngữ ngựa Thượng tứ đã trở thành một cách nói quen thuộc của Huế một thời để chỉ mấy cô gái ham chơi, trắc nết.

Nói theo kiểu Mỹ, qua khỏi “block” Quốc Tử Giám, sẽ gặp khu vực của Viện Bảo Tàng Khải Định, nay là  Viện bảo tàng Cổ vật Huế

 

Viện Cơ Mật trong Khu Tam Tòa, hồi đầu thế kỷ 20

 

Qua khỏi “block” này là đường Đinh Công Tráng, tức  đường Tôn Nhơn ngày xưa, vì chạy ngang trước phủ Tôn Nhơn, cơ quan quản trị Hòang tộc, lập ra từ đời Minh Mạng. Kế cận phủ này, phía tay phải là vườn hoa Ba Viên, cây cao bóng mát, đối diện, có hiệu Thuận Xương nằm ngay bên đường Hộ Thành, nổi tiếng một thời ở Huế, thua chi tiếng tăm nhà bách hóa Sears của xứ Hoa Kỳ (!)  Đối với mạ tôi, cái gì bà mua sắm ở Thuận Xương là số một, dù đó là cái rựa để chẻ củi! Trước 1975, trong dãy phố Thuận Xương này có tiệm ăn Lưu Hương nổi tiếng với những món lươn. Chừ nghe vẫn còn nhưng hình như đổi chủ (?). Mùa lạnh, đi  coi phim về, ghé đây mà ăn một tô cháo lươn, nghe thiệt là ấm bụng, và về nhà ngủ ngon.

Như đã nói, Thành Nội chính là Kinh thành Huế xưa, nên ta không lấy làm lạ khi nhiều con đường, nhiều khu vực, có tên mang âm hưởng triều đình, dù triều đình chẳng bao giờ chính thức đặt tên như thế cho những con đường. Tòan là sản phẩm của dân địa phương.

     Từ ngã tư Đinh Công Tráng/ Đinh Tiên Hòang tiếp tục tiến về phía bắc, sẽ gặp các con đường Hàn Thuyên, xưa là đường Bộ Học, Nguyễn Chí Diểu tức đường Lục Bộ, Đặng Dung tức đường Bộ Tham, và Nguyễn Biểu, tức đường Bộ Thị; Có người ngày nay hỏi: gọi là đường Lục Bộ thì dễ hiểu, vì ngày xưa, từ đời Minh Mạng (1820-1841) có 6 Bộ - tức Lục Bộ - của triều đình, là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đặt trên con đường này   Nhưng sao lại gọi là Bộ Tham và Bộ Thị? Làm gì có các bộ như vậy?

     Cái này, muốn trả lời, phải đi vô cơ cấu tổ chức của các bộ ngày trước mới hiểu được. Cầm đầu mỗi bộ là một Thương thư (Bộ trưởng). Phụ tá Thượng thư có Tả và Hữu Tham tri (tương đương Thứ trưởng). Kế đến là Tả và Hữu Thị lang (tương đương giám đốc các Nha). Vì thế, con đường chạy ngang công đường của 6 bộ (Bộ đường) gọi là đường Lục Bộ; con đường chạy ngang công đường của các Tham tri 6 bộ  gọi là đường Bộ Tham; và con đường chạy ngang trước công đường các Thị lang là đường Bộ Thị. Người Thành Nội xa xứ lâu ngày coù khi lẫn lộn đường này với đường kia, nhưng có một điều rất dễ nhớ, ấy là vị trí của Bộ Lại chính là tòa nhà xưa, dùng làm quận đường của Quận Thành Nội. Làm dân Thành Nội, chẳng lẽ chưa một lần tới quận xin thị thực bản sao giấy tờ hay răng?

Khi Bộ Học (Giáo Dục) được lập ra dưới đời Duy Tân (1907-1916), người ta lấy phủ cũ của vua Dục Đức làm trụ sở .  Con đường chạy ngang trước bộ được gọi là đường Bộ Học, tức Hàn Thuyên ngày nay, con đường có nhiều người đẹp và quán cà-phê Dung, một thời sinh viên tới lui, nay không biết còn không.

Nếu con đường Thượng thành chạy ngang trước Tỳ Bà Trang có hai hàng cây mù-u xanh ngắt thì hai bên đường Hộ Thành là những cây nhỡn (nhãn) lớn, làm mồi cho mớ tiểu yêu đứng hàng thứ ba vào mỗi độ hè về.  Dù là thế hệ đàn anh (trước 1945) hay đàn em (sau 1945) ai muốn  ăn trộm nhỡn cũng phải có bè có bạn, đứa leo cây bẻ cành, đứa canh chừng tuần sát (thời còn vua) hay cảnh sát (sau 1945), đứa lo tẩu tán tài sản! 

Ngã tư Mai Thúc Loan/Đinh Tiên Hòang là một ngã tư nổi tiếng của Thành Nội: Ngã tư Anh Danh. Chẳng có anh nào tên Danh có sự nghiệp lớn lao để lấy làm tên cả.  Anh Danh là gọi tắt tên của một ngôi trường đào tạo quan võ của Nhà Nguyễn, gọi là trường Anh Danh Giáo Dưỡng. Nơi ngã tư này có một trạm biến điện, trường Anh Danh nằm ngay góc đó. Cũng ngay góc này có toà nhà xưa, ngày trước là dinh của quan Trung Quân Đô thống, chức quan võ cao cấp nhất của triều đình, thời Khải Định, mà vị quan cuối cùng là Trung Quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, chồng của công chúa Ngọc Sơn, con gái thứ hai của vua Đồng Khánh. Người Huế thuở đó thường gọi ông là  Cụ Trung hay Cụ Đô, mà tư dinh của ông nay là Ngọc Sơn Công chúa từ, trên đường Nguyễn Chí Thanh, một nhà vườn điển hình của cố đô, một địa điểm hấp dẫn du khách.

Sen hồ Tịnh Tâm nổi tiếng cả nước, khỏi phải nói, chỉ có cái tên Hộ Thành nghe lạ tai một chút. Hộ Thành là cơ quan gìn giữ an ninh và trật tự bên trong  kinh thành, tức Thành Nội, cầm đầu là một Đề đốc. Cụ Đề Hộ Thành rất có uy, vì dưới tay cụ có lính tuần sát, lớ xớ làm mất an ninh trật tự là cụ cho lính bắt nhốt ngay; bên trong Nha Hộ Thành có nhà tạm giam, tục gọi lao Hộ Thành. Một lần cả xóm tôi rần rần chạy ra đường coi, tôi cũng bu theo. Thì ra, ông Lý  Thường, Lý trưởng phường Huệ An, khăn đen áo dài, tay kẹp dù, tay xách nồi đất nấu nước chè, đang cùng với mấy người nữa dẫn một người đàn bà, bị trói hai tay, xuống  Hộ Thành giao cho cụ Đề, vì người đàn bà này bị bắt quả tang bỏ thuốc độc (?) vào nồi nước chè của một nhà kia, khi giả vào xin nước uống. Sau Cách mạng tháng 8 (1945), khi vua không còn, có lần đi học về, tôi và lũ bạn đứng coi người ta dẫn “ hai tên Việt gian” vô lao Hộ Thành. Cả bầy đả đảo Việt gian quá cỡ, nay nghĩ lại không biết gian hay ngay giữa thời buổi nhiễu nhương khó nói lúc đó.Vào thập niên 1960, vị trí Hộ Thành được dùng làm cơ sở cho trường Nữ Trung học Thành Nội. Từ Hộ Thành đi vô, sẽ gặp hồ Tịnh Tâm bên tay trái, lầu Tàng Thơ bên tay phải, rồi qua cầu Kho sẽ dẫn đến ba ngã, cửa Hậu, Mang Cá và vùng Lương Y, nơi có thằng bạn nối khố ở cho tới ngày theo vợ ra riêng, và cũng từ đó tôi không có dịp lui tới nữa, cũng hơn 40 năm!

Ngay cả con đường Mai Thúc Loan kia, ngày xưa là đường Đông Ba vì dẫn ra cửa Đông Ba, Tây gọi là Mirador IX, có tên chính thức là Chính Đông nhưng hầu như ít ai thèm nhớ. Từ khi nhà nước xây hai bên đường những ngôi nhà kiểu mới, bán lại cho công chức Nam triều, đa số là các ông Thừa phái, nên cũng có nhiều người gọi con đường này là đường Thừa Phái! Từ cửa Đông Ba đi vô, gặp ngay con đường chạy sát bờ thành cắt ngang,  Phía bên trái gọi là đường Nhà thương, vì có một nhà thương nhỏ nằm trên đó, còn phía bên phải có tên là đường Chợ  Xép, vì có cái chợ nhỏ, Chợ Xép. Ngày nay, cả hai con đường đều mang tên chung là đường 68.        

Bước chân đến Huế, cái đập vào mắt du khách trước tiên là Kỳ đài cao sừng sững. Người Huế chẳng bao giờ dùng hai chữ Kỳ đài, cái đó để cho sách vở, giấy tờ. Họ cứ Cột cờ mà gọi. Vì thế, con đường chạy ngang dưới chân Kỳ đài được gọi là đường Cột Cờ, ngày nay mang tên là Ông Ích Khiêm. Cũng con đường Ông Ích Khiêm này, ngày xưa, tùy mỗi đoạn mà mang một tên khác nhau.  Chẳng hạn, đoạn gần Quan Tượng Đài  - tức đài quan sát thiên tượng của cơ quan Khâm Thiên Giám - được gọi là đường Nam Đài. Dân không cần biết đến Quan Tượng Đài là cái chi, họ thấy có một cái đài dựng lên trên mặt thành phía nam, trông đep đẽ, dễ thấy, nên gọi là Nam Đài, thành chết tên.

Cũng trong cái góc kinh thành phía tây nam này có đàn Xã tắc nên có đường Xã Tắc. Cái đàn Xã tắc này, bây giờ thì nhà cửa phủ hết, chứ ngày xưa, rất trang nghiêm, là nơi vua phải lo cúng tế hàng năm. Đàn thờ thần Xã Tắc là vị thần coi giữ đất đai, mùa màng, đem lại sự an ổn cho đất nước. Hai chữ xã tắc, vì thế còn có nghĩa là đất nước, tổ quốc. Điểm độc đáo của đàn này là khi lập nó vào năm 1806, vua Gia Long đã ra lệnh cho 23 trấn và 4 doanh (tỉnh ngày nay) từ Nam Quan đến Cà Mâu) đều phải lựa chỗ đất sạch, lấy mẫu dâng về Kinh để hiệp lại làm nên tầng trên cùng của đàn, tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ của đất nước. Thật là một việc làm trân trọng và đầy ý nghĩa.                

Chung quanh hoàng thành tức Đại Nội có 4 con đường bao bọc. Con đường chạy song song với bờ  thành Đại Nội phía đông là đường Hiển Nhơn, vì chạy ngang trước cửa Hiển Nhơn, cửa phía đông của Đại Nội, dành cho phái nam vô ra. Đám tang của vua cũng đi ra cửa này, vì Ngọ Môn chỉ dành cho vua đang tại vị. Có điều tôi không nhớ rõ là đường này được đổi tên làm đường Đòan Thị Điểm  khi nào. Hai bên đường, phía Quốc Tử Giám, là hai hàng phượng vỹ; còn phía  Lục bộ, là hai hàng cây muối, cho bóng mát mùa hè và  những chùm trái muối chi chít, nhỏ như hột cườm, mà lũ nhóc hái làm đạn để bắn súng chế tạo bằng ống hóp, nghe nổ lốp bốp rất vui tai. Các đường Lục bộ, Bộ Tham, Bộ Thị đều thẳng góc với đường Hiển Nhơn, và các cụ, các quan xưa kia đều do đường này mà vô trong Nội (Đại Nội) chầu vua. Qua khỏi ngã ba Đòan Thị Điểm/ Đặng Thái Thân một đọan ngắn, bên tay phải là trường n? tiểu học Đòan Thị Điểm, trường cấp 1 đầu tiên  dành cho con gái trong Thành Nội. Nguyên nó mang tên Tây là École des Jeunes Filles, có lẽ được đổi tên thành Đòan Thị Điểm sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9/3/0945).  Trường được xây trên khuôn viên của Viện Đô Sát cũ.

Trong cùng một khuôn viên, giới hạn bởi bốn đường  ngày nay là Đinh Tiên Hoàng, Ngô Sĩ Liên, Đòan Thị Điểm và Nhật Lệ mà có đến 3 cơ quan đâu lưng vào nhau, xây mặt ra ba hướng khác nhau, là: Nha Hộ Thành, Viện Đô Sát và Quốc Sử Quán. Con đường nhỏ chạy ngang trước Quốc Sử Quán, nối liền đường Hộ Thành (Đinh Tiên Hòang) và đường Hiển Nhơn (Đòan Thị Điểm) được gọi là đường Sử Quán, sau gọi là đường Ngô Sĩ Liên. Trong khuôn viên của Quốc Sử Quán có một cái giếng nước rất  trong –dân gọi là giếng Sử Quán - mùa hè không bao giờ cạn, pha trà rất ngon, tục truyền là giếng xưa của làng Diễn Phái cũ, mà đất bị sung công để làm kinh thành.

  Về phía nam, chạy ngang trước cửa Ngọ Môn là đường Ngọ Môn, nay gọi là đường 23 tháng 8. Có lẽ người ta muốn nhắc lại ngày 23/8/1945, cái ngày vua Bảo Đại  tuyên bố thóai vị, trao quyền cho Việt Minh, chấm dứt chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam sau 143 năm trị vì (1802-1845) . Các đường Ngọ Môn, Cột Cờ đều được trồng mù u. Lá mù u xanh quanh năm, nhưng bọn trẻ không quan tâm tới vẻ đẹp đó. Trái mù u  mới là cái hấp dẫn, cứ tới cuối tuần hai ba đứa cùng xóm rủ nhau đi lượm trái mù u đem về gọt sạch vỏ, phơi khô, làm bi đánh chơi. Thuở đó, bi thủy tinh cũng có, nhưng đó là thứ xa xỉ của con Tây và con nhà giàu.

Về phía tây, đường Ngọ Môn chấm dứt bằng đường Chương Đức, tức Lê Huân, con đường bọc phía tây Đại Nội, chạy dài ra đến Ngự Hà, con sông đào cắt ngang kinh thành, với hai cống Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, cho phép nước lưu thông từ tây sang đông.  Ngày xưa, khi đất Tây Lộc còn là nơi lập trường thi Hương và thi Hội thì cứ đến mùa thi, con sông Ngự này đậu  đặc  thuyền của sĩ tử và thân nhân từ các nơi về kinh, nghe mệ ngọai tôi kể lại như thế, vì kỳ thi Hương cuối cùng mở ra năm 1918, tôi chưa mở mắt, làm chi biết! 

Cũng giống như đường Hiển Nhơn ở phía đông, con đường phía tây được gọi là Chương Đức vì chạy ngang trước cửa Chương Đức, cửa phía tây của Đại Nội, dành cho phái nữ vô ra. Đám ma của các bà Thái hòang Thái hậu (bà nội vua) và Thái hậu (mẹ vua) đều đưa qua cửa này. Đời xưa, chữ nghĩa cùng mình, hể đàn ông thì phải lấy việc làm tỏ cái lòng nhơn hậu là chính, còn đàn bà thì phải làm sáng cái đức hạnh của mình, nên mới đặt tên cửa Hiển Nhơn và Thể Nhơn dành cho phái nam, và cửa Chương Đức, Quảng Đức dành cho phái nữ. Ngày hè nóng nực, các bà trong nội cung muốn ra sông Hương hóng mát hay tắm mát thì theo cửa Chương Đức ra khỏi Hòang thành, rồi theo cửa Quảng Đức mà ra khỏi Thành Nội.  Năm 1944, tôi được xem đám bà Tiên Cung, mẹ ruột vua Khải Định, bà nội của vua Bảo Đại, là do bu theo ông anh bên ngoại, đứng chen chúc hai bên đường Chương Đức để xem cái đám to chưa từng có. Trong vụ thất thủ kinh đô năm 1885, vua Hàm Nghi cùng tam cung lục viện đã được phò ra cửa Chương Đức, rồi theo cửa Hũu mà thóat ra khỏi kinh thành.

     Về phía bắc, đường Chương Đức thẳng góc với  các đường Lý Thiện, kiệt Lý Thiện, và Cầu Đất. Đường Lý Thiện nay là Trần Bình Trọng, còn Kiệt Lý Thiện tức Đặng Trần Côn, là con đường nhỏ hơn, chạy song song với đường Lý Thiện, cách một quảng ngắn về phía bắc. Nói được rành rẽ như thế cũng là nhờ thằng bạn cũ nhắc tuồng chứ hơn 40 năm xa Huế, nhiều hình ảnh chỉ còn là những bóng mờ. Thuở còn học trường Việt Anh, tức Nguyễn Tri Phương sau này, cứ mỗi buổi sáng, mưa cũng như nắng, tôi đều phải tạt vào đường Lý Thiện, nơi có nhà ông Lý Dục, Lý trưởng phường Huệ An cũ (kế ông Lý Thường),  để rủ mấy thằng bạn đi cùng cho vui đường xa; cứ vậy 4 năm ròng của thời học Đệ nhất cấp, tức cấp 2 ngày nay.  Nhà ở trong Thành Nội, vậy mà đứa nào cũng phải lội bộ qua tuốt bên kia sông Hương để học. Chỉ những đứa con nhà gìàu mới có xe đạp, và mãi đến khi đậu trung học, Thầy tôi mới cho chiếc xe đạp để làm học trò trường Quốc Học! Lại nói lang bang rồi; cái đường này có tên Lý Thiện, chẳng phải để kỷ niệm tên của một ông họ Lý tên Thiện nào đâu. Lý Thiện là tên của một đơn vị đông trên trăm người, gồm 3 đội, tuyển từ dân làng Phước Yên, Thừa Thiên, vốn nổi tiếng nấu ăn khéo, để chuyên lo việc nấu cỗ cúng tế và yến tiệc của triều đình - chứ không phải cho vua, vì  vua có một đội quân đầu bếp riêng, gọi là Thượng Thiện. Hồi đầu triều Nguyễn, Lý Thiện đóng ở phía đông Đại Nội, đến đời Minh Mạng (1821) mới dời về nơi này. 

Gọi là đường  Cầu Đất - nay là Nguyễn Thiện Thuật -vì  đường này dẫn đến một cây cầu xây bằng gạch bắc qua hồ, dẫn vào cửa Chương Đức.  Khu vực cận  kề đường này là khu Cầu Đất, cũng có nhiều người đẹp, khiến Quế Chi không quên kể trong bảng phong thần, xin cứ đọc Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ...quên quên sẽ gặp. Giữa thập niên 1960 trở về trước, trên đường này có một cái chợ nhỏ nhóm vào buổi sáng, gọi là chợ Cầu Đất. Khi tôi lớn lên, trên con đường này còn hiện hữu hai cơ sở, nguyên là chỗ trú đóng của hai đơn vị quân đội thời trước, đó là Vệ Hậu Ngũ và Vệ Tả Tam. Khoảng thập niên 1960, người ta phá bỏ những ngôi nhà đổ nát của Vệ Hậu Ngũ, lập ra một cái chợ để thay thế cho chợ Cầu Đất thường nhóm một cách mất trật tự. Điều buồn cười là chợ có bảng hiệu khá lớn, bằng tôn, viết chữ xanh, đề Chợ Vệ Hậu Ngũ –nhiều người đọc mà không hiểu cái chi - dựng trên hai cột trụ bề thế. Có  người hỏi tôi, “ Răng không gọi Chợ Cầu Đất, mà lại lại gọi Chợ Vệ Hậu Ngũ, nghe mệt tai quá!”, tôi cười, “Qua bên Thành phố mà hỏi.”

Đi về phía Bắc một đổi, sẽ gặp Vệ Tả Tam. Chính sự hiện diện của cái vệ này mà ngã ba Lê Huân/Đặng Thái Thân có tên là Ngã Ba Tả Tam, làm cái mốc cho mấy bà trả giá cuốc xe kéo từ chợ Đông Ba vô, “Đây vô Ngã Ba Ta Tam, mấy xu?” Niên khóa 1946-1947, vệ Tả Tam được dùng làm trường sở cho trường tiểu học Trần Cao Vân mới thành lập. Nhà tôi ở gần đó, nhưng khi vệ còn lính tráng nên không được vào. Đến khi có người bà con được bổ dụng làm Cai trường, mới theo chân ông ta vào xem, thì té ra là cơ sở làm thuốc súng để cung cấp cho bộ phận Hỏa lịnh ở Cột Cờ, dùng để bắn ống lệnh. Ngày xưa, thuốc súng của ta là một hổn hợp gồm ba thứ, được giã nhỏ và trộn đều với nhau, ấy là lưu hùynh, diêm tiêu và than thầu đâu (sầu đông). Còn thấy cả cối chày giả than, lưu hùynh, và rất nhiều nong phơi thuốc súng. Thuốc súng bám kín mặt nong như được trét bằng hắc ín. Bọn trẻ chúng tôi cạy thuốc súng đó ra, đem giả nhỏ rồi làm pháo đốt chơi!

Song song với đường Chương Đức là đường Nhà Đồ - trước 1975 có tên Cường Để, nay là Nguyễn Trãi - chạy từ cửa Nhà Đồ ở phía nam cho đến cửa An Hòa ở phía bắc. Trong Thành Nội, có hai con đường chạy theo hướng bắc nam, rất dài, rất thẳng, ấy là đường Hộ Thành ở phía đông và Nhà Đồ ở phía tây. Đầu đường Nhà đồ này là nhà của một thằng bạn thân, từ hồi còn tiểu học. Một bữa tới chơi, vì quên khóa, mất béng ngay chiếc Velo Solex, lọai xe gắn máy nhẹ của Pháp thời thập niên 1960, buồn ngẩn ngơ cả tuần.

Hai bên đường Chương Đức, tức Lê Huân,  trồng toàn phượng vỹ, mùa hè trông thật là rực lửa. Không hiểu sao giữa những hàng phượng vỹ đó, đoạn gần ngã ba Yết Kiêu/Lê Huân lại chen vào một cây sấu. Có lẽ cũng lâu đời lắm, vì nó cao, to, bọn trẻ chúng tôi không leo lên được.  Tới mùa sấu chín, chỉ có nước sắm ná cao-su (giàng thun) xúm vào mà bắn, họa  may có trái bỏ vô miệng. Chỉ ngửi mùi sấu chín cũng đủ chảy nước miếng cục! Từ Quảng Nam trở vô, không thấy có loại  cây này.

Đi về phía bắc, đường Chương Đức, tức Lê Huân, gặp đường Cửa Hữu tức Yết Kiêu. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, đây là con đường  chính trổ về phía tây nhưng khá vắng vẻ, nhà nào cũng có vườn rộng, chỗ nào không nhà cửa thì thấy mọc toàn bụi rậm, đầy cây ngũ sắc và cây mâm xôi. Khi đi qua khu Tân Miếu, miếu thờ vua Dục Đức, do vua Thành Thái (1889-1907) lập nên, thấy sao âm u quá; sau 1945, chỉ còn là đống gạch vụn. Trong khu Tân Miếu này, hồi xưa có nhà thầy Trợ Đ., một ông giáo tư, dữ có tiếng, con nít đứa nào nghe cho đi học thầy Trợ Đ. thì mặt mày méo xẹo, nhưng cha mẹ lại rất tín nhiệm. Tôi được hân hạnh học hè với thầy năm lên lớp Ba hay lớp Nhì chi đó, và được chứng kiến cảnh thầy trị  mấy anh học trò lười thật là ấn tượng, nào mổ bụng, bỏ rọ thả giếng,  dọa quì xơ mít v.v., nhiều đứa sợ khóc ròng, thảm thiết, tôi cũng sợ, nhưng nay nhớ lại, thấy buồn cười, vì tòan là đòn phép dọa dẫm chứ thầy không có ác tâm hành hạ con nít.

Qua khỏi đường cửa Hữu một quảng ngắn, thì đường Chương Đức gặp đường Hòa Bình nay là Đặng Thái Thân, con đường bao mặt bắc của Đại Nội. Cửa Hòa Bình xây năm 1811, đời Gia Long, là cửa phía bắc của Đại Nội, ban đầu có tên là Củng Thần, sau vua Minh Mạng đổi làm Địa Bình (1821) rồi Hòa Bình (1833) và giữ nguyên cho tới ngày nay.  Đại Nội có bốn cửa, Ngọ Môn là cửa dành cho vua, có tính cách nghi lễ; Hiển Nhơn thì dành cho phái nam, còn Chương Đức thì dành cho phái nữ, riêng cửa Hòa Bình tuy bề ngòai khiêm tốn hơn các cửa khác nhưng lại là cửa hỗn hợp, đa dụng. Vua vào ra Đại Nội thường dùng cửa này, nhất là từ khi có xe hơi (đời Duy Tân, 1907-1916), vì xe có thể đến tận thềm, nơi vua ở. Con đường, vì thế mang tên Hòa Bình, mãi cho đến sau tháng 3/1975 mới đổi làm Đặng Thái Thân như hiện nay.

Ngôi nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên nằm trên con đường này nên mỗi đổi thay của nó cứ như hằn trong ký ức. Đường Hòa Bình được giới hạn bởi đường Đoàn Thị Điểm và đường Lê Huân (Chương Đức), ngày xưa rất vắng vẻ và nổi tiếng nhiều ma, không phải tôi chỉ nghe người ta đồn mà còn nghe cả chuyện ma do mạ tôi kể lại.  Hai bên đường, trước 1945, là hai hàng dương liễu cổ thụ, gốc to phải hai ba người ôm mới hết, bóng lá rậm rạp, nhiều âm khí. Một lần, cây dương cao nhất bị sét đánh gãy đôi. Mẹ tội kể khi sét đánh, người ta (?) thấy một bóng trắng nhảy qua cây dương khác, bà bình luận “con tinh đó dữ lắm, tránh được cả búa Thiên lôi!” Sau, người ta đốn hết hai hàng dương này và trồng lại bằng cây nhỡn (nhãn).  Con đường vì thế, trông sáng sủa hơn và không nghe ai kể chuyện ma nữa.

Ngày nay thì nhà cửa mọc lên liên tục từ đầu cho tới cuối đường, chứ trước kia, nhất là trước 1945, con đường Hòa Bình chỉ có hai xóm nhà ở hai đầu đường, một ở chỗ giáp với Đoàn Thị Điểm, chừng năm nhà với cái đình Phường Trung Hậu, phía sau là nhà nhạc sĩ Ngô Ganh; và một xóm khác, chỗ giáp với đường Lê Huân, với vỏn vẹn bốn nhà. Giữa hai cụm nhà này là một khoảng trống lớn gồm hai vạt đất rộng mênh mông gọi là Hậu Bô (chứ không phải Hậu Bổ, như có người Pháp đã viết sai), chia đôi bởi đường Canh Nông tức Phùng Hưng. Hồi trước, người Pháp lập Sở Canh Nông (Service Agricole) phía bên phải con đường nên mới sinh ra cái tên đó. Khu Canh nông là một vườn bách thảo  Lũ con nít chúng tôi thường vào đó kiếm mủ cây bút-bút làm banh đá chơi, rủ nhau hái soài, gọt vỏ quế, và chạy vắt giò lên cổ để trốn mấy ông phu làm vườn Canh nông. Hậu Bô là nơi vua ra  tập ngựa, cưỡi ngựa dạo chơi, nghĩa là vùng cấm địa, nên ngày xưa có hai bức tường lớn và dài, chạy từ thành Đại Nội ra cho đến đường Mã Khái, tức Thạch Hãn và Nhật Lệ ngày nay, để ngăn cách xóm nhà dân và nơi vua giải trí. Gọi là Mã Khái vì hồi xưa có Mã Khái sở, là tàu ngựa của vua nằm trên đường này. Trên đường này cũng có tàu voi. Ngay nơi góc đường Phùng Hưng/ Nhật Lệ,  bên này đường là  một cái miếu nhỏ và bên kia đường là cơ sở đầu tiên của Trường Bá Công, tìền thân trường Kỹ thuật Huế. Cái miếu  rêu phong núp dưới hai cây bàng cổ thụ, có tên chính thức là Thạch thần tướng quân miếu. Khi tôi còn ở Huế vẫn thấy địa phương thờ cúng, nay không biết còn hay không.  Quanh gốc bàng, la liệt ông táo, bình vôi. Đó là miếu thờ hai pho tượng bằng đá của Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, hai danh tướng của vua Gia Long, mà  gốc gác việc thờ phụng hai pho tượng này đã là đề tài tìm hiểu của nhà Huế học thời danh Léopold Cadière.

Khi người ta phá bỏ hai bức thành ngăn khu vực Hậu Bô, không biết vôi gạch đổ vào đâu mà chỉ còn lại cái móng. Vào mùa lụt, khi nước dâng ngập cả khu mênh mông như biển nhưng nước chỉ ngang lưng, bọn trẻ chúng tôi trong xóm rủ nhau đóng bè chuối, ra đó tha hồ chèo chống, đùa nghịch.

Bây giờ nhớ lại thì tôi thấy vị trí xóm nhà của tôi thật là tiện lợi vì có nhiều cái thú hơn các xóm khác trong Thành Nội. Ngày hè, tha hồ đá banh và thả diều, vì có đất trống ngay trước mặt nhà; sân bay Thành Nội ở sau lưng, vạt đất Hậu Bô trống trải, tha hồ xem máy bay loại bà già của vua Bảo Đại, của ông Sáu ông Năm gì đó cất cánh hạ cánh.

Cơ sở xây dựng kiên cố đầu tiên trên vạt đất Hậu Bô này, phía Đoàn Thị Điểm, là trường Trung học Tư thục Đào Duy Từ, xây dưới thời Tổng thống Diệm, hình như của Hội Đồng hương Quảng Bình, nay là Trung tâm Gíao dục Kỹ thuật Tổng hợp Thành Nội. Sau biến cố Mậu Thân (1968), hàng dãy chung cư vách ván lợp tôn được hối hả dựng lên cho những gia đình mất nhà mất cửa vì bom đạn, nhất là những người tạm trú trên thượng thành cửa Thượng Tứ. Con đường Hòa Bình từ đó không còn một chỗ trống, nhất là khi dãy nhà của mấy ông sĩ quan xuất hiện ven đường Mã Khái. 

     Hồi đầu thế kỷ 20, khi chứng kiến sự thay đổi của  Nam Định dưới tác động của tự nhiên, Tú Xương đã cảm thán rằng :

Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Trong hồi ức của tôi, sự đổi thay không đến từ thiên nhiên; tất cả đều do con người, là những lớp sóng phế hưng của thời đại tác động qua năm tháng. Trong giòng đổi thay đó cũng thấy mình trong ấy, thấp thóang bóng buồn, vui...Cũng may vẫn còn cái tên Thành Nội để mà gọi và để mà nhớ. Nếu  có đồng hương nào đọc những giòng này mà thấy người viết nói sai, nói bậy, nói thiếu, xin làm ơn chỉ giùm, rất lấy làm biết ơn./

 

huonganvo@yahoo.com

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Website 2008-2020

Website hoạt động 2008-2020 Mời click vào đậy

HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Logo Họ Nguyễn
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Họ Nguyễn
Thăm dò ý kiến

Ban biết gì và lịch sử Trường Hàm Nghi Huế?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi