CHUYỆN KỂ LỚP TÔI :
LỚP HỌC TRONG DI LUÂN ĐƯỜNG
Đối với một cậu học sinh mới đậu vào Đệ thất trường Hàm Nghi thì ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân vào trường mới, đó là hình ảnh ngôi nhà đồ sộ vuông vắn nằm giữa sân trường. Ngôi nhà để làm gì mà to thế !? Tại sao tòa nhà cứ mãi đóng cửa im lìm !
Sau này tôi mới biết nó có tên là Di Luân Đường. Tòa nhà đã được xây dựng tại đây gần một trăm năm rồi. Nền nhà cao ráo, trên nóc nhà là hình ảnh những con rồng lượn. Chung quanh bốn phía có nhiều bậc cấp lên xuống. Bốn mặt đều có cửa kính. Lần đầu tiên mới bước vào trường, ai cũng tò mò dán mắt vào khung kiếng để xem bên trong có gì ! Ồ, gian giữa là một bàn thờ to lớn chứ ngoài ra chẳng có gì nữa ! Sau này, qua tìm hiểu tôi mới biết Di Luân Đường hiện đang thờ Đức Khổng Tử. Tôi vẫn còn nhớ, năm 1966, nhà trường có tổ chức Lễ Đản sanh Đức Khổng Phu Tử rất trang nghiêm tại trước sân Di Luân Đường. Lần đầu tiên tôi thấy Di Luân Dường mở cửa. Trên khán đài trang trí nhiều cờ xí vàng đỏ. Học sinh toàn trường đều được nghỉ học và sắp hàng ngay ngắn trước sân để dự lễ. Các anh Đệ Nhị cấp thì lại mặc đồng phục áo trắng quần trắng trông rất trịnh trọng. Chủ lế là nhiều bác lớn tuổi mặc quốc phục áo dài xanh khăn đóng. Nhiều bác lên đọc diễn văn ca ngợi ngài. Tiếng chiêng trống vang lên rất uy nghi. Lúc đó chúng tôi chưa biết Khổng Tử là ai, sau này các thầy cô mới nói cho nghe, đó là một bậc thầy vĩ đại người Trung Quốc, đã khởi xướng học thuyết Nho giáo làm nền tảng đạo đức cho con người.
Đầu năm 1968, do ảnh hưởng của thời cuộc. Cơ sở trường Hàm Nghi đã bị hư hại nặng nề. Một số phòng học không còn sử dụng được nữa. Nhà trường đã bố trí mở cửa Di Luân Đường để cho học sinh các lớp đệ Nhất cấp vào học tạm trong đó. Trong Di Luân Đường, hai lớp học không có vách ngăn mà “đâu lưng “ vào nhau. Còn thầy cô thì ...nhìn mặt nhau mà giảng bài cho học sinh ! Khó khăn như thế nhưng chúng tôi khi học ở Di Luân Đường ai cũng nghiêm túc. Có lẽ cái không khí uy nghiêm của tòa nhà đã làm cho bọn tôi trở nên có nề nếp và trật tự hơn trong giờ học.
Hai tháng sau, chúng tôi không học ở Di Luân Đường nữa. Các phòng học đã được tu sửa và tiếp tục được sử dụng. Di Luân Đường lại đóng cửa im lìm như vốn tự thân của nó ! Giờ chơi, bọn tôi lại chơi đùa trên các bậc thềm bằng đá xanh thật êm mát ở xung quanh .
Là học sinh Hàm Nghi, không một ai không có ấn tượng về Di Luân Đường. Tòa nhà vừa uy nghiêm, vừa gần gũi, hình ảnh đó đã gắn mãi trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh xa xứ. Di Luân Đường là” máu thịt”, là “cốt tủy “của Trường Trung Học Hàm Nghi ! Nói đến Hàm Nghi không thể không nhắc đến Di Luân Đường !
Và hình ảnh cứ mỗi đầu tuần ,chúng tôi lại xếp hàng ngay ngắn trước DI Luân Đường để làm lễ chào cờ trước khi vào lớp học, sẽ còn đọng mãi, đọng mãi trong tâm khảm của tôi và bạn bè tôi; những lớp người hiện nay đã trên dưới “lục tuần“; lứa tuổi mà ngài “Vạn Thế Sư Biểu“ tức Đức Khổng Tử đã nói : NGŨ THẬP TRI THIÊN MỆNH
LỤC THẬP NHI NHĨ THUẬN
( Năm mươi tuổi đã biết mệnh trời- Sáu mươi tuổi nghe qua là hiểu được, chẳng cần suy nghĩ làm gì.....)
Di Luân Đường mãi mãi là một “ kỳ quan “ đẹp nhất trong tôi’ .........
(TÔN THẤT THỌ)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Lời cảm ơn: Trân trọng cảm ơn Quý Thầy Võ Văn Dật, Thầy Tôn Thất Khiêm cùng Quý Đồng môn đã đồng cảm chia sẻ góp ý và cung cấp nhiều tư liệu quý giá cho bài khảo cứu này cũng như nhận xét ưu ái của Thầy Võ văn Dật “về một cái nhìn lại khá trọn vẹn, đúng đắn, đầy thận trọng nhưng cũng tràn đầy tình...