Về địa danh
THỌ XƯƠNG & THỌ KHƯƠNG
(HỒ XUÂN THIÊN)
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay
Câu ca dao xưa tả cảnh đẹp thơ mộng xứ Huế và nỗi lòng ai đó nhân một đêm trăng dạo chơi bằng thuyền trên sông Hương. Ngày xưa cũng như hiện nay, hình ảnh chiếc thuyền êm đềm trôi trên dòng sông Hương thật đẹp và thơ mộng, nhất là đoạn sông trước chùa Thiên Mụ, đối diện Thiên Mụ là làng Long Thọ bên kia sông. Vậy làng Long Thọ có liên quan gì với địa danh Thọ Xương và Thọ Khương?
Phạm Quỳnh có lẻ là người đầu tiên viết ca dao này trên tạp chí Nam Phong trong bài “Mười ngày ở Huế”.
Mới đây, An Chi mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, tạp chí Kiến thức ngày nay số 152 thì nghi ngờ: “Ở Huế cũng có địa danh Thọ Xương” (1)
Và Võ Xuân Trang trên tạp chí thế giới số 113 khẳng định rõ hơn: “Ở Huế không hề có địa danh Thọ Xương” (2)
Vậy thì Thọ Xương ở đâu? Không lẽ thi nhân với con đò trên sông Hương, lúc nửa đêm về sáng, tai nghe tiếng chuông Thiên Mụ ở Huế và đồng thời nghe tiếng gà gáy ở huyện Thọ Xương của cố đô Thăng Long? Tôi đã tìm trong sử liệu:
Năm 1770, Lê Qúi Đôn viết về Phủ Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa đã cho ta biết : “Xưởng thuyền, kho lúa thì ở các xã Hà Khê, Thọ Khương, trên thượng lưu”(3)
Về các kho lúa ở Thuận Hóa, Việt Sử Xứ Đàng Trong ghi rõ: Ở Thuận Hóa ban đầu có 7 kho là : Kho Thọ Khương (huyện Phú Vang), kho Nguyệt Biều (huyện Hương Trà), kho Thạch Hãn (huyện Hải Lăng), kho Lai Cách (huyện Minh Linh), kho An Trạch (huyện Lệ Thủy), kho Trung Trinh và kho Trường Dục (huyện Khương Lộc).(3 bis)
Thọ Khương còn là một thắng cảnh ở Huế khi Lê Quí Đôn viết : “Những lúc rỗi việc, xốc tay áo ngao du về xã Hà Khê, Thọ Khương”(4)
Xã Hà Khê về sau có phủ Kim Long, là thủ phủ xứ Đàng trong dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Lan và chùa Thiên Mụ, được xây dựng nguy nga vào thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725). Thọ Khương có thắng cảnh gì để Lê Quí Đôn đến ngao du và Tùng Thiện Vương Miên Thẩm làm thơ ca ngợi?
Trước hết, Thọ Khương là một vùng đồi, sát cạnh bờ Nam sông Hương, đối diện đồi Hà Khê bên kia sông. Từ đồi Thọ Khương, có thể nhìn được toàn cảnh xứ Huế từ núi Kim Phụng đến phá Tam Giang, từ Văn Thánh – Võ Thánh đến bến chợ Dinh, Cồn Hến. Dưới rừng thông Thọ Khương là kho Thọ Khương – Kho thóc tại Thuận Hóa thời tiền Nguyễn. Tương truyền trước kia trên gò có nhà, từng rước tử cung Anh Tông, Hiển tông, Túc Tông và Thế Tông để tạm ở đấy. Trước gọi là Thọ Khương, đầu niên hiệu Gia Long đổi tên là Thọ Xương, năm Minh Mạng Thứ 5, đổi tên là Long Thọ Cương, dựng đình bát giác ở trên gò gọi là đình Long Thọ Cương(5)
Đinh Xuân Vịnh trong SỔ TAY ĐỊA DANH VIỆT NAM ghi cụ thể hơn nữa :
“Thọ Xương : Làng, trước gọi là Thọ Khang(7), Gia Long đổi là Thọ Xương. Năm 1824 đổi là Long Thọ, thuộc huyện Phú Vang, Phủ Thừa Thiên trên sông Hương, nay thuộc thành phố Huế.(6)“
Qua các tư liệu trên, rõ ràng ở Huế có một địa danh, qua các thời kỳ mang ba tên khác nhau: Thọ Khương, Thọ Xương và Thọ Long.
Tìm hiểu sâu hơn chúng tôi càng thấy thú vị về Thọ Khương ngày xưa : Ngày xưa Thọ Khương là một thành lũy của Chămpa vào thế kỷ V – VI, xây dựng trên vùng đồi của hai làng Nguyệt Biều và Dương Xuân : Lũy Nam 550m, Lũy Đông 370m, Lũy Bắc sát giới hạn xâm thực của sông Hương 750m với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước, giếng cổ Chămpa, bia đình Thọ Khương, kho Thọ Khương, miếu kho, Vạn Thọ Khương, miếu thờ vua Chămpa và Huyền Trân(8).
Đến đời Gia Long, vì kỵ húy đế hiệu vua cha là Hiếu Khương Hoàng Đế, ông mới đổi Thọ Khương thành Thọ Xương và năm 1824 vua Minh Mạng mới đổi Thọ Xương là Long Thọ.
Long Thọ hiện nay chia làm hai vùng : phía Đông nhập vào Phường Đúc, xã Dương Xuân với nhà thờ Thiên Chúa Phường Đúc và Công Ty Khai Thác Đá là trung tâm. Phía tây nhập vào làng Nguyệt Biều với nhà máy Xi Măng Long Thọ là trung tâm với các di tích Hổ Quyền, Long châu Điện (Điện Voi Ré), thành cổ Chiêm Thành, chợ Long Thọ và một số địa danh Chămpa còn sót lại : Trạng Ụ, Vịnh, Dạ Gà.
Vậy Thọ Xương, Thọ Khương, Long Thọ đều là một và đã tồn tại bên bờ sông Hương từ xa xưa, với những hàng trúc soi bóng nước, đối diện bên kia là chùa Thiên Mụ, cảnh đẹp làm rung động lòng du khách, thi nhân. Một trích đoạn trong thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm sau đây là một minh chứng tuyệt vời :
DẠ BẠC NGUYỆT BIỀU
Trúc âm lương xứ dạ đình thuyền
Thủy nguyệt giang phong vị nhẫn miên
Cách ngạn chung lâu Thiên Mụ tự
Thanh thanh xao phá viễn đình yên
(1836)
Dịch thơ:
BAN ĐÊM GHÉ BẾN NGUYỆT BIỀU
Đêm đậu thuyền trong bóng trúc thanh
Trăng sông gió bến ngủ không đành
Bờ bên vẳng tiếng chuông Thiên Mụ
Từng tiếng khuya tàn vắng khói xanh.
(Ngô Linh Ngọc dịch)
LONG THỌ CƯƠNG(10)
Long Thọ Cương đông tứ sở chi
Tiều ca tiêm yết, dạ chung trì
Vạn tùng thiên lí, thiên sơn nguyệt
Ký thủ u nhân độc lập thì.
Dịch thơ:
ĐỒI LONG THỌ
Long Thọ chòm đông, chiều thoáng lặng
Ca tiều dứt đợi tiếng chuông rơi
Gió muôn thông biếc, trăng nghìn núi,
Ghi lúc riêng mình khách ẩn chơi.
( Ngô Xuân Phú dịch)
Các chú thích:
(1)…” Có thể về sau, người ta lấy hai câu đầu và thay trấn Vũ bằng Thiên Mụ để nói về Huế vì ở Huế cũng có Địa danh Thọ Xương?”
(2) “ Về Địa danh này trong câu ca dao ở Huế hiện nay có ba cách ghi và hiểu khác nhau Thọ Xương, Thọ Cương, Thọ Khương. Trước hết phải khẳng định rằng ở Huế không hề có địa danh Thọ Xương…” Sách đã dẫn.
(3) PHỦ BIÊN TẠP LỤC, Lê Qúi Đôn tập II, VIỆT SỬ ĐÀNG TRONG, Phan Khoang, nhà sách Khai Trí – Sài Gòn 1967, trang 491.
(3 Bis) VIỆT SỬ ĐÀNG TRONG, Phan Khoang, nhà xuất bản Khai Trí – Sài Gòn 1967, trang 491.
(4) PHỦ BIÊN TẠP LỤC, Lê Quí Đôn.
(5) ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, tập I, Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế 1992, trang 85.
(6) ĐINH XUÂN VỊNH, nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội 1996 trang 515.
(7) Thọ Khương và Thọ Khang là hai cách đọc khác nhau theo TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN của Bửu Kế, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1993, trang 116.
(8) THEO DÒNG LỊCH SỬ, Trần Quốc Vượng, nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà nội, 1996, trang 499.
(9) THƠ TÙNG THIỆN VƯƠNG, nhà xuất bản Văn học 1991, trang 22.
(10) THƠ TÙNG THIỆN VƯƠNG, nhà xuất bản Văn học 1991, trang 21.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Lời cảm ơn: Trân trọng cảm ơn Quý Thầy Võ Văn Dật, Thầy Tôn Thất Khiêm cùng Quý Đồng môn đã đồng cảm chia sẻ góp ý và cung cấp nhiều tư liệu quý giá cho bài khảo cứu này cũng như nhận xét ưu ái của Thầy Võ văn Dật “về một cái nhìn lại khá trọn vẹn, đúng đắn, đầy thận trọng nhưng cũng tràn đầy tình...