Nghiệt ngã - Truyện ngắn của Lê Quang Kết

Thứ hai - 31/12/2007 20:00

Nghiệt ngã - Truyện ngắn của Lê Quang Kết

Câu chuyện được viết tiếp sau gần mấy năm tha hương, tôi chỉ được nghe người làng kể lại. Làng nghề quê tôi không còn nung lò gạch ngói bằng củi. Mọi thứ cho việc đun nấu, nung lò đều bằng than tổ ong, lò điện, bếp gas. Lão Kháo mất việc. Cô vợ trẻ bỏ làng ngoại tình theo trai. Tiền mất tật mang, lão tiếp tục những ngày còn lại giữa cõi đời với nghề hành khất. Vậy mà trời chẳng tha lão. Một đêm nọ, cô vợ cũ ẳm một đứa con còi cọc từ đâu đó trở về. Chỉ mấy hôm dò la kể lể cô ta lại ung dung ra đi khi cuỗm luôn mấy chỉ vàng mà lão Kháo đã dành dụm chắc chiu sau bao năm đi xin ăn được người đời thương tình bố thí… Nghiệt ngã. Lão Kháo ơi lão Kháo!?

Truyện ngắn

 

NGHIỆT NGÃ

Lê Quang Kết

 

Lão là người ngụ cư- lão Kháo. Nghe rằng: Ngày xưa dòng họ lão cũng thuộc bậc trung có học chữ Nho hẳn hoi nên lão nói năng cũng phải lẽ. Người làng bảo lão cũng có bà con đâu đó nhưng chẳng thấy ai lui tới thăm viếng. Thành ra lão là người cô độc, không vợ con, không bạn bầu. Khi tôi bắt đầu đủ lớn để hiểu đời đôi chút, lão Kháo làm nghề bửa củi.

Làng tôi nhờ ven sông lắm đất sét nên nhiều lò nung gạch ngói. Cũng có người khá lên từ nghề này. Công việc quanh năm của lão Kháo là bửa củi. Ai kêu thì làm. Lão bảo cái nghiệp dĩ nó theo mình “Gánh cực mà đổ lên non/ Lon ton mà chạy cực còn chạy theo”. Lão hiểu tường tận từng thớ củi, loại gỗ, độ khô cứng, nhát rìu xuống vị trí nào là đạt hiệu quả. Sau việc bửa phải biết chất củi như thế nào cho gọn gàng, thuận tiện việc sử dụng. Và còn làm chủ lò vừa ý. Cả vùng cần lão – không ai thay thế lão tốt hơn cái công việc bửa củi. Mỗi lần được gặp, lão vung tay :

- Cậu biết không? Bửa củi là một nghề đấy, không phải ai cũng trở thành thợ giỏi. Phải biết nâng niu, trân trọng “sinh nghề tử nghiệp”- chứ chẳng phải chơi đâu?

Thường thì tôi bông đùa:

- Nghề chơi cũng lắm công phu.

Trong trí óc thơ dại của tôi bửa củi chẳng có gì ghê gớm. Lão Kháo ở bước đường cùng nên phải làm để kiếm sống. Lão ba hoa cho vợi bớt cực nhọc, thế thôi. Ngày nào đi học về từ xa tôi đã thấy bóng dáng lão. Đặt khúc gỗ, nhát rìu trên cao bổ xuống, nhặt nhạnh củi chất sắp vào một góc, chiếc khăn vắt vai kéo trễ xuống lau mồ hôi rồi cứ thế tiếp tục…bửa củi… Sao lão không lấy vợ nhỉ? Tôi tự hỏi. Có khi lão cũng hơn năm mươi rồi thì phải. Trước khi lên thành phố trọ học, tôi có trò chuyện với lão.

- Chú cứ bửa củi suốt đời vậy sao? Giải nghệ đi thôi, già rồi, lấy vợ để có nơi chỗ đỡ đần nương tựa.

- Khó lắm con ơi, ai mà thương mình, cũng gần ba mươi năm theo nghề rồi chứ mới mỏ gì.

Ở thành phố với bao điều mới lạ làm tôi dễ quên mọi chuyện  trong đó có chuyện bửa củi của lão Kháo. Có lần bà chủ trọ la lên rằng : Củi cứ lên giá kiểu này chắc là mua rề sô nấu dầu cho tiện. Lần ấy về làng tôi không được gặp lão Kháo. Lão nằm bệnh viện- một tai họa nghề nghiệp đến với lão khi đang bửa củi, dầm củi bắn vào mắt nặng lắm. Cuộc đời đầy khổ lụy biết đâu mà lường.

Có lẽ lão Kháo phải nghỉ cái nghề bạc bẽo ấy thôi. Bửa củi làm hư một con mắt. Chao ôi! Đôi mắt, bao điều kỳ diệu từ đôi mắt mà người đời đã thi vị. Mẹ cho đôi mắt: Nhìn đời soi rõ đục trong, dở hay, đúng sai, phải trái… Còn giờ lão chỉ còn khóc người một con. Bẵng đi tôi thưa dần về quê. Lần ấy có kỳ nghỉ dài ngày, tôi định chuyến này phải thăm lão nói chuyện nghiệp dĩ. Lòng thầm b?o sẽ thú vị lắm đây. Lão Kháo không còn cơ hội vung tay chuyện sinh nghề tử nghiệp.

 

2

Tôi nhầm. Lão vẫn tiếp tục nghề bửa củi. Lại chuyện lạ lùng. Cái nghề nó đeo đẵng không từ bỏ lão nổi. Lão nói ít hơn nhưng vẫn say sưa như thuở nào.

- Cậu biết không, tôi ngồi không yên khi thấy thằng Lung nó thay tôi bửa củi. Nó chỉ làm cho xong chuyện còn chẳng có gì là lương tâm nghề nghiệp. Tôi phải tiếp tục bửa củi. Giờ tôi độc nhãn nhưng hơn trước, nó thuần thục và tay chân đã thành kỹ xảo nên tôi không bỏ nghề được.

- Tôi chúc ông đạt đạo.

Vậy là lão Kháo vẫn hành nghề bửa củi. Người làng- những kẻ vô công rỗi nghề mặc sức đặt điều đàm tiếu. Người cảm thông thì bảo: Thân phận kiếp người là thế- đã mang lấy nghiệp làm sao mà rứt ra được, phải làm để nuôi tấm thân già, không người thân thích sao này biết cậy nhờ ai. Kẻ ác ý thì độc miệng: Đáng đời cho lão, chột mà vẫn sân si bửa củi- chuyện lạ nơi xứ này. Tôi thương cho lão. Cuộc đời sao mà oái ăm ngang trái.

Những năm ấy làng nghề nung gạch ngói phất lên như diều. Công việc bửa củi cũng được thể ăn theo. Tôi chẳng có dịp về quê để chứng kiến sự thay đổi. Nghe rằng lão Kháo khá lên, cất nhà mới, tậu xe máy lại còn diện bộ cánh đàng hoàng chứ không tơi tả như xưa. Nhưng có chuyện lạ khó tin mà tôi gặp người quen ai cũng phải nhỏ to. Lão Kháo có bồ. Cô ta trẻ so với lão. Đám trai trẻ trong làng phải ganh tỵ ra mặt. Nhìn mặt bắt hình dong, trông ngữ hấp dẫn lắm. Của ấy có khi mệt cho lão Kháo chứ chẳng chơi. Họ chỉ làm lễ ra mắt rồi chung sống với nhau mà coi bộ ưng ý lắm. Không có điều kiện về quê để chúc phúc cho lão nhưng lòng tôi mừng thầm. Mong lão Kháo yên ấm.

Kể cũng lạ, một người bửa củi ngoài năm mươi, bị chột mà có người tự nguyện làm vợ lại trẻ đẹp mới lạ chứ. Phước phần cho lão Kháo quê tôi. Chỉ biết họ chẳng có con, không biết lỗi do ai?

Nhưng cuộc đời này không bình yên, bằng phẳng mà lắm hệ lụy, bi thương. Lại chuyện lão Kháo. Do nhu cầu cuộc sống gia đình, bà vợ trẻ đòi hỏi chưng diện, lão phải lao vào công việc cật lực. Và cuộc đời lại quá nghiệt ngã đối với lão. Một buổi nọ đang hăng say công việc, một mảnh củi bắn vào con mắt còn lại của lão. Chạy chữa hết ngón, nhẵn cả tiền dè sẻn dành dụm bao năm mà đành chịu cảnh mù lòa. Chao ôi sao mà khổ lụy đến thế, không nỗi thống khổ nào đày đọa hơn?

Lão Kháo mù. Cô vợ trẻ. Người cứ phơi phới ra, lại ăn mặc hớ hênh như khoe của. Cô ta bước ra đường nhiều kẻ ngắm nhìn, có ông sồn sồn buột miêng – người sao mà đáo để. Còn lão Kháo. Mù. Nhưng lão phải tiếp tục việc bửa củi. Lão còn khoe với mọi người – bây giờ lão còn thành thục hơn xưa- “ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Lạ thật. Con người bị đẩy vào ngõ cụt không lối thoát, thê thảm đến tận cùng của thê thảm. Vậy mà lão cũng phải sống. Sống để trả nợ đời. Bi kịch cả cuộc đời đeo đẳng lão.

 

3

Tôi được về quê đôi bữa. Bao nhiêu là chuyện xì xào bàn tán về lão Kháo. Vợ lão tằng tịu với một chàng trẻ trai làng bên. Họ thường xuyên qua lại, thậm chí qua đêm ngay trong nhà lão mà lão đành ngậm đắng. Không một tiếng than, không lời oán trách, lão cố chịu  đựng  xem  đời  mình sẽ tới đâu. Hàng  ngày lão vẫn mò trong bóng đêm tiếp tục công việc, vẫn cố mang đồng tiền lương thiện về cho vợ. Nhưng cô ta có tình nghĩa gì đâu. Khổ nạn ơi là khổ nạn…  

Câu chuyện được viết tiếp sau gần mấy năm tha hương, tôi chỉ được nghe người làng kể lại. Làng nghề quê tôi không còn nung lò gạch ngói bằng củi. Mọi thứ cho việc đun nấu, nung lò đều bằng than tổ ong, lò điện, bếp  gas. Lão Kháo mất việc. Cô vợ trẻ bỏ làng ngoại tình theo trai. Tiền mất tật mang, lão tiếp tục những ngày còn lại giữa cõi đời với nghề hành khất. Vậy mà trời chẳng tha lão. Một đêm nọ, cô vợ cũ ẳm một đứa con còi cọc từ đâu đó trở về. Chỉ mấy hôm dò la kể lể cô ta lại ung dung ra đi  khi cuỗm luôn mấy chỉ vàng mà lão Kháo đã dành dụm chắc chiu sau bao năm đi xin ăn được người đời thương tình bố thí… Nghiệt ngã. Lão Kháo ơi lão Kháo!?

 

  Ý kiến bạn đọc

Website 2003-2007

Website hoạt động từ 2003 đến 2007. Mời Nhấn vào đây

HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
HES - Hospitality Entertainment Sai Gon
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Website Hàm Nghi Huế trước 2017
Logo Họ Nguyễn
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Họ Nguyễn
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi